Hạ tầng

Kể chuyện người gác cầu Long Biên trăm tuổi

25/11/2018, 06:09

Bước chân những người tuần cầu mỗi ngày đều chậm rãi “soi” từng chi tiết nhỏ nhất để đề phòng hỏng hóc...

9

Hàng ngày, các công nhân vẫn cần mẫn “chăm sóc” cầu Long Biên để đảm bảo người tham gia giao thông và mỗi chuyến tàu qua được an toàn 

Trượt chân, rơi xuống sông ngất lịm...

Tháng 11/2018, chúng tôi đến Đội Quản lý cầu Long Biên (Công ty CP Đường sắt Hà Hải) “mục sở thị” công việc chăm sóc cây cầu lịch sử đã hơn trăm năm tuổi giữa lòng Thủ đô.

Chúng tôi vừa đến cũng là lúc anh Vũ Văn Long, Tổ trưởng Tổ tuần cầu Long Biên chuẩn bị vào ca đi tuần. Theo bước chân anh, chúng tôi mắt dán chặt xuống đường sắt trên cầu, thận trọng bước từng bước nhưng vẫn không khỏi lo sợ, vì chỉ cần sơ sẩy là lọt chân giữa hai tà vẹt cách nhau 20cm, dù không ngã xuống sông cũng dễ bong gân, trật khớp. Vậy mà anh Long chân bước chậm, vai đeo túi đồ nghề nặng đến cả chục cân, với pháo tín hiệu, đèn, cờ lê, cờ... nhưng mắt luôn đảo quan sát liên hồi. Thỉnh thoảng, anh cúi xuống siết lại những bu lông bị lỏng. Rồi dường như nghi ngờ hỏng hóc gì đó, anh nhảy xuống dầm đỡ để quan sát khung dầm phía dưới. Công việc cứ thế tiếp diễn đến giữa cầu rồi lặp lại một lượt nữa trên đường trở về phòng trực gác cầu.

"Cầu Long Biên có chiều dài cầu chính 1.691m và 2.800m cầu dẫn. Cầu nối đường sắt các tuyến từ: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai với đường sắt khu vực TP Hà Nội, từ đó đi đường sắt phía Nam nên có vai trò vô cùng quan trọng trong GTVT Thủ đô. Bảo vệ, đảm bảo an toàn cầu Long Biên là nhiệm vụ hàng đầu. Chính vì thế, dù vất vả thế nào, khó khăn thế nào, anh em cũng cố gắng vượt qua, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, gác cho cầu an toàn."

Ông Vũ Chí Việt
Đội trưởng Đội Quản lý cầu Long Biên

Anh Long chia sẻ, hàng ngày, nhân viên tuần cầu khi lên ban có nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi trạng thái toàn bộ kết cấu cầu từ hệ mặt cầu đường bộ, hệ mặt cầu đường sắt, dàn thép trên cao, dầm đỡ bên dưới, mố, trụ và cả dòng chảy. “Làm nghề này, mắt phải tinh, tai phải thính để quan sát tốt. Đi giữa đường sắt như thế này thôi nhưng phải quan sát bao quát được tứ phía, cả lan can đường bộ hay tấm đan trên lối đi dành riêng cho người đi bộ. Nếu phát hiện sự cố, hỏng hóc là phải xử lý ngay để đảm bảo an toàn”, anh Long nói.

Cũng theo anh Long, trước kia ngành Đường sắt quy định phải là thợ duy tu đường sắt bậc 4/5 mới được bố trí làm nhân viên tuần cầu, vì khi đó mới có đủ tay nghề, kĩ năng xử lý sự cố. Bây giờ, để làm nghề tuần cầu, người thợ phải trải qua đào tạo trường lớp và được cấp chứng chỉ.

Anh Long cho biết, Tổ Tuần cầu Long Biên có 14 người. Mỗi khi lên ban có 4 người, chia đôi thực hiện nhiệm vụ tuần cầu từ hai phía đầu cầu ra giữa cầu. Công việc kéo dài 12 tiếng, sáng 6h - 18h và ban đêm từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau, thay nhau gác an toàn 24/24h, bất kể nắng hay mưa.

“Càng mưa bão, việc tuần gác càng phải thực hiện nghiêm ngặt bởi đó là thời điểm có thể xảy ra rất nhiều sự cố: Chập cháy điện trên cầu, bay tấm đan, cây cối ở các vị trí đường dẫn hai đầu cầu gãy đổ vào đường sắt, nước lũ dâng cao. Tất cả sự cố nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn lưu thông trên cả phần đường bộ và đường sắt”, anh Long nói.

Công việc của những người gác cầu Long Biên ẩn chứa không ít rủi ro, nguy hiểm. Trong ký ức của nhân viên tuần cầu Nguyễn Giám Khảo vẫn không thể quên lần “chết hụt” cách đây hơn chục năm.

Anh Khảo kể: “Hôm đó, khi đang sửa cầu, tôi bị trượt chân, ngã từ trên mặt cầu rơi xuống, lưng đập xuống dầm thép rồi rơi xuống sông. Do sức ép, tôi đã ngất đi. May là khi cả người tôi “hạ” xuống đáy bùn sâu. Một lát sau, nước lạnh buốt khiến tôi tỉnh lại, vội ngoi lên, bơi vào bờ. Đến bây giờ vẫn còn vết sẹo in hình thanh thép ngày đó”, anh Khảo kể.

Lực lượng tuần cầu vất vả là vậy, bộ phận bảo vệ cầu Long Biên cũng vấp phải muôn vàn khó khăn. Theo anh Đào Ngọc Thủy, công nhân Tổ Bảo vệ cầu, thách thức lớn nhất vẫn là tình trạng người dân họp chợ hay bán hàng rong trên cầu. Phần dành cho các phương tiện đường bộ đi lại chỉ rộng hơn 2m nhưng lại bị người dân tụ tập trên cầu bán nông sản, nhất là giờ tan tầm buổi chiều, gây mất trật tự, ách tắc giao thông. Tối đến, tình trạng hàng quán bày tràn lan, thanh niên tụ tập, xe máy để lấn hết cả phần đường bộ.

“Chúng tôi không có chức năng bắt giữ hay xử lý nên chỉ có thể nhắc nhở, không thực hiện các biện pháp trấn áp mạnh được. Họ không nghe cũng đành chịu. Chưa kể bị họ chửi bới, thậm chí đe dọa”, anh Thủy chia sẻ.

Vẫn gắn bó với cây cầu dù đồng lương ít ỏi

Chia sẻ về công việc chăm sóc cầu Long Biên, ông Vũ Chí Việt, Đội trưởng Đội Quản lý cầu Long Biên cho biết, để đảm bảo sự an toàn của cây cầu, lực lượng làm việc hàng ngày trên cầu có bảo vệ, tuần cầu. Bên cạnh đó, còn có lực lượng duy tu, thực hiện bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa cầu theo kế hoạch và lực lượng hướng dẫn xe qua cầu.

“Đường bộ trên cầu chỉ dành cho xe thô sơ, xe máy qua lại. Trong ngày có hai giờ cao điểm, đầu giờ sáng, người và phương tiện từ phía quận Long Biên sang rất đông, cuối giờ chiều thì hướng ngược lại. Vì vậy, đơn vị phải điều anh em ở các bộ phận ra đầu cầu hỗ trợ lực lượng chức năng điều tiết phương tiện. Tuy vậy, lực lượng này chỉ là trưng dụng từ các bộ phận khác sang khi họ không phải thực hiện công việc thường xuyên và việc trả công chỉ mang tính động viên, khuyến khích vì không được hưởng theo lương chức danh cố định”, ông Việt cho hay.

Ngay cả với việc “chăm sóc” cầu Long Biên vất vả là vậy, nhưng những người công nhân có thâm niên hàng chục năm công tác tại đây vẫn đang chật vật với đồng lương ít ỏi vì hệ tuần gác do ngân sách Nhà nước chi trả, phải theo quy định. Anh Nguyễn Giám Khảo cho hay, thời gian công tác trong ngành đến nay của anh đã là 24 năm, nhưng hiện hàng tháng, sau khi trừ tất cả các khoản phải nộp như phí bảo hiểm… số tiền anh lĩnh lương chỉ được hơn 4 triệu đồng.

“Số tiền cầm về chỉ đủ lo chi phí học hành cho 2 đứa nhỏ. Vậy nên, sau giờ làm chính, tôi lại làm thêm nghề xe ôm, vận chuyển thuê hàng hóa cũng được thêm ít nữa để trang trải cuộc sống”, anh Khảo tâm sự.

Còn anh Đào Ngọc Thủy với 5 năm công tác, hiện mức lương nhận về hàng tháng cũng chỉ hơn 2 triệu đồng. “Cũng có lúc nghĩ sẽ bỏ cuộc để tìm một công việc có thu nhập khá hơn, nhưng những gắn bó từ thời cha mẹ làm nghề đường sắt, rồi cả những kỉ niệm từ thời thơ ấu với cây cầu này vẫn khiến tôi chưa thể rời bỏ”, anh Thủy nói.

Công việc nhiều trở ngại từ vật chất đến tinh thần nhưng trong suy nghĩ của những người công nhân, khó khăn không có nghĩa là buông bỏ, lơ là, thiếu trách nhiệm. “Tàu gặp sự cố hay mất an toàn trên cầu là điều tối kị vì hậu quả khôn lường. Hơn nữa, nếu sự cố diễn ra trên phần đất liền bình thường, máy móc có thể được huy động để khắc phục sự cố nhanh chóng nhưng nếu sự cố xảy ra trên cầu, mọi việc sẽ khó khăn gấp vạn lần do cầu yếu, diện tích cầu hẹp, máy móc có muốn vào cũng không thể. Công tác khắc phục hậu quả có thể kéo dài đến hàng tháng. Anh em chúng tôi đều tự nhủ với nhau, khó khăn quá không theo được nghề thì thôi, còn đã làm phải cẩn thận, tỉ mỉ, làm hết trách nhiệm để bảo vệ sự an toàn của mọi người”, anh Long tâm sự.

Không chỉ bảo vệ cầu, các anh còn “bao đồng” bảo vệ cả người dân qua cầu. Như anh Khảo đã 3-4 lần ngăn cản, cứu người định nhảy cầu tự tử. Lần gần đây nhất, cách khoảng một năm, anh đi tuần thì gặp một cô gái trẻ đang cheo leo phía ngoài lan can cầu. “Sự việc gấp gáp, tôi nhẹ nhàng đi từ phía sau và nhanh chóng ôm chầm lấy cô gái kéo lại, đồng thời hô hoán mọi người đến trợ giúp. May nhất là lúc tiếp cận được cô gái cũng là lúc cô ấy đã buông tay để nhảy xuống sông”, anh Khảo kể.

Chia tay các anh, trời đã nhá nhem tối. Trên cầu, dòng xe hối hả trở về nhà. Anh Khảo khoác lên vai chiếc túi đựng dụng cụ, ra cầu, bắt đầu vào ca tuần gác. Bóng dáng người tuần cầu cần mẫn kiểm tra từng cái bu lông, ốc vít trong chiều tà khiến người qua cầu càng yên tâm hơn vì đã có các anh gác cho tàu, cho phương tiện qua cầu an toàn.

Logo tai tro Dang baso DT

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.