Thế giới giao thông

Kế hoạch 8 tỷ USD “lột xác” sân bay bỏ hoang ở Đức

08/10/2022, 19:00

Từ một sân bay được yêu thích tại ngoại ô Thủ đô Berlin, Đức, Tegel đã phải dừng hoạt động, bỏ hoang.

Nhưng khu đất này đang được kỳ vọng hồi sinh trở thành một khu đô thị thông minh, hiện đại bậc nhất.

Nhà thân thiện, đường không có ô tô

Theo hãng tin CNN, sân bay cũ Tegel rộng 495ha, dù đã đóng cửa từ năm 2020 nhưng đến nay nơi đây vẫn tiềm ẩn rất nhiều tàn tích của chiến tranh. Kể từ tháng 5/2021 đến nay, đã có hơn 10 tấn thuốc nổ và đạn dược được phát hiện, di dời hoặc kích nổ an toàn.

Nhưng đằng sau sự ảm đạm đó là kế hoạch biến nơi đây trở thành một trong những thành phố thông minh nhất châu Âu với khoản đầu tư lên tới 8 tỷ euro (khoảng 7,9 tỷ USD).

img

Phối cảnh khu vực dân cư “xanh” bên trong dự án Berlin TXL

Dự án này mang tên Berlin TXL với kỳ vọng biến toàn bộ khu vực này trở thành một cộng đồng thân thiện môi trường, được ứng dụng đầy đủ những công nghệ bền vững, có khuôn viên đại học tích hợp, trung tâm sáng tạo để cho ra lò công nghệ của tương lai.

Nhà phát triển Tegel Projekt thừa ủy quyền của chính quyền Berlin, đang phối hợp với các công ty tư nhân và quốc doanh cùng nhiều nhà đầu tư để xây dựng Schumacher Quartier - một cộng đồng sinh sống dành cho khoảng 5.000 hộ gia đình; Khu công nghệ đô thị (Urban Tech Republic) dành cho 5.000 sinh viên và 1.000 doanh nghiệp.

Ông Nicolas Novotny, Giám đốc phát triển và thiết kế Tegel Projekt cho biết, dự án này đã bắt đầu lên kế hoạch từ năm 2012, khi Berlin dự định xây một sân bay mới thay thế Tegel (chính thức đóng cửa vào năm 2020).

Vị Giám đốc cho biết, Tegel Projekt tìm hiểu kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới, tìm kiếm nguồn cảm hứng ở nhiều cộng đồng công nghệ cao như quận 22@ ở Barcelona; thành phố Masdar tại Abu Dhabi và dự án Sidewalk Toronto, Canada.

Nhưng rất nhiều ý tưởng tại Tegel là “cây nhà lá vườn” và được hình thành dựa trên sự kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân địa phương.

Theo kế hoạch, khu đô thị tương lai này sẽ đi theo hướng “net-zero energy” tức là không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển, tự sản xuất và tiêu thụ năng lượng sạch như quang lượng, năng lượng địa nhiệt (năng lượng được tách ra từ nhiệt trong tâm Trái đất). Tegel Projekt đã hợp tác với một công ty tư nhân để phát triển hệ thống làm nóng, lạnh mang tên LowEx.

Nhiệt từ nguồn địa nhiệt sẽ kết hợp với nhiệt phát ra từ các hoạt động công nghiệp, mạng lưới cống và khí sinh học để làm ấm hệ thống đường ống nước ngầm.

Hệ thống này sẽ kết nối với bộ trao đổi nhiệt và máy bơm nhiệt để làm ấm các tòa nhà. Vào ngày nắng nóng, họ sẽ tách nhiệt từ ​​các tòa nhà để làm mát và lưu trữ nhiệt trong mạng lưới đường ống.

Trong khu vực dân sinh, mỗi ngôi nhà sẽ được xây dựng từ gỗ địa phương và phần mái sẽ được bao phủ bằng cây xanh.

Đặc biệt, đường phố ở đây sẽ hoàn toàn không có ô tô, chỉ khuyến khích xe đạp, xe đạp điện và xe máy điện, sử dụng robot giao hàng phục vụ cho người cao tuổi.

Berlin TXL cũng áp dụng mô hình đô thị sinh thái (sponge city), trong đó giữ lại toàn bộ nước mưa, tái sử dụng như một phương pháp làm mát không khí tự nhiên.

“Phòng thí nghiệm sống trên phố”

img

Phối cảnh một góc dự án biến sân bay Tegel cũ thành khu đô thị Berlin TXL

Bên cạnh khu dân sinh là Khu công nghệ đô thị (Urban Tech Republic) với quy mô lớn gần gấp 4 lần khu vực dân cư.

Đại học Công nghệ và Khoa học ứng dụng Berlin - BHT University sẽ sử dụng 2 khu vực từng là nhà ga A và B của sân bay Tegel làm trung tâm dành cho các công ty khởi nghiệp, có trung tâm hội nghị và phòng trưng bày. Còn nhà ga D cũ sẽ trở thành nơi tập trung các phòng nghiên cứu.

Cơ sở hạ tầng giao thông trong Khu công nghệ này được sử dụng “phòng thí nghiệm sống trên phố” để thử nghiệm công nghệ vận tải mới.

Các nhà phát triển còn kỳ vọng, sử dụng bê tông tái chế từ đường băng để làm đường, vỉa hè tại đây. Hiện nay, đang có một cuộc thi tìm ra ý tưởng phát triển nguyên liệu tái chế này.

Tiến sĩ Johanna Sonnenburg, Cố vấn phát triển đô thị, Trung tâm Nghiên cứu đô thị thuộc Đại học Kỹ thuật Berlin cho hay, dự án này đã được chuẩn bị trong nhiều năm, cùng thời điểm hoàn tất dự án xây dựng sân bay Berlin Brandenburg thay thế Tegel.

Do đó, bà đánh giá những ý tưởng thiết kế dự án rất sáng tạo song không hẳn là tân tiến nhất vì đã được lên kế hoạch từ 5 - 10 năm trước, trong khi lĩnh vực phát triển bền vững thay đổi rất nhanh.

Một vấn đề khác mà học giả Sonnenburg lưu ý là việc kết nối dự án Berlin TXL với nội thành Berlin. Theo bà, sân bay Tegel cũ vốn dĩ không có kết nối tốt, không có đường sắt từ thành phố tới đây. Trong tương lai, cũng chỉ có kết nối ngầm tại khu vực Schumacher Quartier.

Dù vậy, bà Sonnenberg vẫn mô tả dự án này như một “viên ngọc quý” trong những dự án cơ sở hạ tầng Berlin. Và chắc chắn, ảnh hưởng của khu đô thị thông minh này có thể lan tỏa, vượt ngoài quy mô thành phố.

1.000 sân bay bị bỏ hoang cần tái tạo

Tegel không phải là sân bay duy nhất tại Thủ đô Berlin nói riêng và thế giới nói chung, bị bỏ hoang và cần cải tạo lại.

Năm 2010, sân bay Tempelhof, Berlin, Đức đã được cải tạo trở thành công viên lớn nhất của thành phố.

Ở Quito, Ecuador, sân bay quốc tế Old Mariscal Sucre, được biết đến là một trong những sân bay nguy hiểm nhất trên thế giới, đã trở thành công viên sau khi đóng cửa vào năm 2013.

Một số sân bay khác như Sân bay quân sự Galeville ở bang New York, Mỹ sau khi ngừng hoạt động vào những năm 1990, đã trở thành Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Shawangunk. Chỉ riêng ở Mỹ, theo một nghiên cứu năm 2019, có hơn 1.000 sân bay bị bỏ hoang và rất nhiều địa điểm có thể được tái sử dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.