Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay tại nhiều địa phương diễn ra các lễ hội mùa xuân có hoạt động liên quan đến giao thông đường thủy, như: lễ hội Chử Đồng Tử, đền Trần (Thái Bình), rước nước sông Hồng, bơi chải truyền thống cấp huyện và các lễ hội có hoạt động vận tải thủy chở khách như: chùa Hương (Hà Nội), khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), đền Thác Bờ (thủy điện Hòa Bình)…
Trước khi diễn ra lễ hội, chi cục, cảng vụ đường thủy nội địa khu vực đều tuyên truyền, vận động ban tổ chức lễ hội kiểm soát chặt chẽ các điều kiện phương tiện, thuyền viên phương tiện phục vụ lễ hội. Đến nay, không xảy ra trường hợp tai nạn, sự cố nghiêm trọng nào liên quan đến phương tiện thủy phục vụ lễ hội sông nước.
Liên quan đến điều kiện đảm bảo an toàn cho hành khách, theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, ngoài các yêu cầu cơ bản như: phương tiện phải có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, người lái có chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy, trên phương tiện phục vụ vận tải khách tham gia lễ hội nói riêng và vận tải khách nói chung là phải trang bị đầy đủ trang thiết bị phao cứu sinh cho hành khách trên phương tiện.
Cùng đó, trong từng trường hợp nhất định chủ phương tiện phải trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho từng hành khách và hành khách có trách nhiệm phải mặc, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân để đảm bảo an toàn. Trường hợp không thực hiện, cả người điều khiển phương tiện và hành khách đều bị lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt.
“Theo quy định tại Thông tư số 15/2012 của Bộ GTVT về trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm trang bị và hành khách có trách nhiệm mặc, sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trong suốt hành trình phương tiện. Trường hợp không thực hiện là vi phạm và có thể bị xử phạt”, ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.
Đề cập trường hợp hành khách đi trên phương tiện khác như: tàu du lịch dọc tuyến, tàu cao tốc chở khách tuyến cố định, ông Duy cho biết, hiện không có quy định pháp luật bắt buộc hành khách phải sử dụng trong suốt hành trình của phương tiện mà chủ yếu khuyến cáo để đảm bảo an toàn.
“Dù hành khách không buộc phải mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh trên suốt hành trình phương tiện, nhưng quy định pháp luật yêu cầu trên phương tiện phải trang bị đầy đủ phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách. Trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử phạt đối với người điều khiển phương tiện”, ông Duy cho biết thêm.
Lãnh đạo Phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN cho biết, phương tiện chở khách ngang sông có thể sử dụng hai loại phao cứu sinh, gồm: áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân (đeo tay). Còn phương tiện thủy dọc tuyến, tàu du lịch, do đặc điểm tàu thường có kích thước lớn và khả năng cứu sinh cứu đắm tốt hơn, nên trong quy chuẩn kỹ thuật chỉ yêu cầu trang bị đầy đủ phao (áo phao, phao tròn, phao bè), đúng các vị trí cần thiết, không yêu cầu khách phải sử dụng phao trên suốt hành trình của phương tiện.
Theo quy định tại Nghị định 132/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy, xử phạt 100.000 - 200.000 đồng đối với hành khách đi trên phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) mà không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng nổi cứu sinh cá nhân (có hình hộp chữ nhật, đeo vào tay).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận