Sáng 9/2, lễ hội đền Huyền Trân tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) chính thức khai hội với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến dự và đánh trống khai hội.
Tiết mục Trống hội tại chương trình khai mạc lễ hội đền Huyền Trân
Lễ hội Huyền Trân là hoạt động văn hóa tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức vào ngày mùng 9/1 Âm lịch hàng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân và các bậc tiền nhân của dân tộc đã có công trong việc mở mang bờ cõi.
Đáng chú ý, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế, lễ hội đền Huyền Trân năm nay cũng là lễ hội quy mô đầu tiên trong chuỗi các hoạt động, sự kiện Festival 4 mùa Huế 2022.
Lê hội đền Huyền Trân ngoài phần nghi lễ theo phong tục truyền thống- trước là để cáo yết các bậc tiền nhân- sau là để cầu mong cho Quốc thái Dân an, phong điều Vũ thuận (gió điều hòa, mưa phù hợp), dịch dã sớm yên, mùa màng bội thu, nhà nhà an khang, no ấm và hạnh phúc.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng người dân, du khách dâng hương tại đền thờ Huyền Trân
Phần khai mạc lễ hội với biểu diễn Lân sư rồng và trống hội; chương trình nghệ thuật khai hội gồm một số tiết mục tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân (ái nữ của vua Trần Nhân Tông), người cách đây 715 năm đã dấn thân- hy sinh tình riêng để góp công lập nên vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế có vị trí xứng đáng trong lịch sử của đất nước.
Tiếp đó là đánh trống khai mạc lễ hội, lãnh đạo tỉnh cùng người dân và du khách vào dâng hương tri ân, tưởng nhớ công đức của đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, Công chúa Huyền Trân.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tại lễ hội đền Huyền Trân năm nay tại Thừa Thiên Huế có khá ít người dân và du khách.
Đền Huyền Trân Công chúa có không gian rộng 28,5ha, nằm dưới chân núi Ngũ Phong, TP Huế. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy một khoảng không gian bao la và phía xa xa là cả một không gian TP Huế.
Trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc khác như: Đền thờ vua Trần Nhân Tông, tháp chuông Hòa Bình có chiều cao 7m được dựng trên đỉnh Ngũ Phong cùng với một chuông đồng khác nặng 1,6 tấn và cao 2,16m...
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Lễ hội đền Huyền Trân với ý nghĩa sâu sắc “Ngưỡng vọng tiền nhân” - những người đã có công lao to lớn đối với đất nước và dân tộc: Hoàng đế - Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những người đã có vai trò quyết định để cách đây 715 năm, Đại Việt có thêm hai châu Ô Lý/ Thuận Hóa vuông ngàn dặm, kéo dài từ đất Quảng Trị đến sông Thu Bồn- Quảng Nam, trong đó có xứ Huế hiện nay.
Lễ hội diễn ra tại vùng đất Thần kinh- kinh đô thần thánh của Việt Nam một thu, cũng nổi danh là đất Thiền Kinh - Kinh đô của Phật giáo Việt Nam, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi.
"Đến với lễ hội hôm nay, mọi người cùng thành kính thắp nén tâm hương, tri ân đến Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông- vị hoàng đế anh minh, lỗi lạc không chỉ trực tiếp lãnh đạo dân tộc 2 lần đánh bại đế quốc Nguyên Mông, làm nên đỉnh cao của nền văn minh Đại Việt, tầm vóc của một thời đại lớn trong lịch sử Việt Nam, mà còn là vị hoàng đế đặt dấu ấn quan trọng trong công cuộc “nam tiến”, tạo tiền đề để các triều đại sau mở rộng cương vực đất nước đến Mũi Cà Mau.
Chúng ta cũng thành kính tri ân đến Công chúa Huyền Trân, người đã dấn thân “Nước non ngàn dặm ra đi... /Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Lý”, hy sinh tình riêng để góp công lập nên vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử của đất nước...”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.
Cổng vào đền Huyền Trân tại núi Ngũ Phong, TP Huế
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các đại biểu cũng như người dân và du khách đều thực hiện đeo khẩu trang, quét mã QR code...
Lễ hội đền Huyền Trân năm nay cũng là lễ hội quy mô đầu tiên trong chuỗi các hoạt động, sự kiện Festival 4 mùa Huế 2022
Sau khi đánh trống khai hội, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các đại biểu, người dân và du khách vào dâng hương tri ân, tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân và các bậc tiền nhân của dân tộc đã có công trong việc mở mang bờ cõi
Lễ hội Huyền Trân là hoạt động văn hóa tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức vào ngày mùng 9/1 Âm lịch hàng năm
Các bô lão đang Hành lễ tại đền Huyền Trân
Hành lễ do Hội đồng Tộc trưởng làng An Cựu thực hiện
Gian chính bên trong đền Huyền Trân
Đền Huyền Trân nhìn từ cửa chính ở giữa từ ngoài vào
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận