Xem xét thông qua 10 dự án luật
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng nay (20/5), dự kiến sẽ diễn ra trong 19 ngày. Trong đó, đợt 1 là 9 ngày, từ ngày 20 - 29/5 sẽ họp trực tuyến; đợt 2 là 10 ngày, từ ngày 8 - 18/6.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi)
6 dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển KT - XH, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển KT - XH); Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Hơn 95% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV cho thấy, thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt tỷ lệ 95,53%.
Hầu hết các văn bản trả lời cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành trả lời cặn kẽ, chi tiết, thấu đáo, có chỉ dẫn rõ văn bản, điều khoản áp dụng nên được đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Điển hình như tiếp thu kiến nghị của cử tri Hậu Giang và một số địa phương, Thủ tướng quyết định giao 1.000 tỷ đồng vốn NSNN cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, mua nhà ở xã hội; tiếp thu kiến nghị của cử tri Long An, Thủ tướng đã quyết định điều chỉnh hạn mức cho vay đối với học sinh, sinh viên từ 1.500.000 đồng/tháng lên 2.500.000 đồng/tháng…
Một số vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, nhiều người dân chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, đã được xem xét, giải quyết xong tại kỳ họp này như: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với hoạt động của taxi công nghệ (Bộ GTVT); việc thống nhất giữa các bộ trong công tác quản lý, bảo trì đối với 4.700km quốc lộ đi qua 42 địa phương (phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT…).
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ do đó cử tri tiếp tục bức xúc, tiếp tục kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận