Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, Nguyễn Việt Hùng tại hội thảo "Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử" diễn ra sáng 8/11 tại Hà Nội.
Theo ông Hùng, những sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu từ Trung Quốc đang sử dụng chiến lược "bơm tiền" để chiếm lĩnh thị phần khách hàng tại Việt Nam. Cách làm này tương tự như Grab trước đây, điều khiến một "ông lớn" như Gojek phải chia tay đất nước hình chữ S vì không thể cạnh tranh nổi.
"Cũng giống như những thị trường khác, TMĐT là cuộc chơi của các "ông lớn", đặc biệt là với sự xuất hiện của các sàn TMĐT hoạt động xuyên biên giới. Với việc Temu gia nhập, thị trường TMĐT tại Việt Nam khốc liệt hơn bao giờ hết, sau khi đã có những cái tên như: Shopee, Lazada, Tiki và Tiktok... Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ, phải biết cách đi vào thị trường ngách, khai thác thế mạnh, phát triển những sản phẩm địa phương (OCOP) mới có thể cạnh tranh", ông Hùng gợi ý.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp ở Hà Nội đều thể hiện sự quan tâm đến việc chuyển đổi số, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào chuyển đổi số vẫn còn thấp. Một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ số, nhưng chủ yếu trong một số nghiệp vụ cụ thể, chưa thực hiện đồng đều và toàn diện. Theo khảo sát, chỉ có khoảng 40% trong số gần 100.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên.
Tình hình quản lý xe và vận chuyển hàng hóa trong doanh nghiệp ở Hà Nội cho thấy mới có khoảng 64% doanh nghiệp sử dụng phần mềm số ở mức rất ít, hoặc hiếm khi sử dụng. Doanh nghiệp ứng dụng phần mềm số thường xuyên ở hoạt động này chiếm tỷ lệ còn thấp. Hơn 40% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện không, hoặc rất ít sử dụng phần mềm số trong các hoạt động quản lý kho hàng, đơn hàng, khách hàng và quản lý nhân sự.
Chỉ có 35,75% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng, 39,45% doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu, quy trình. Mặc dù vậy, cho đến nay chỉ có 1,58% doanh nghiệp làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa.
Vì vậy, giải pháp chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Theo một số liệu, hoạt động TMĐT trong 9 tháng năm 2024 đạt 227 nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn khác thống kê con số này kể từ đầu năm là 330 nghìn tỷ đồng. Để tối ưu hóa doanh thu và cạnh tranh trên thị trường TMĐT, các doanh nghiệp phải tối ưu hóa quy trình vận hành, xây dựng chuỗi cung ứng số, nhà máy thông minh và đơn giản hóa hoạt động từ tài chính, kế toán đến chăm sóc khách hàng.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội cho biết, để đảm bảo vị thế trên thị trường ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp cần ứng dụng các giải pháp số hóa nhằm tối ưu hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào bán hàng, triển khai các giải pháp cho mục tiêu hướng tới trải nghiệm khách hàng như phát triển hệ thống bán hàng đa kênh, giải pháp quản trị quan hệ khách hàng, thiết kế trải nghiệm ấn tượng, cá nhân hóa và tối ưu khâu chăm sóc khách hàng.
Các doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng chương trình khách hàng thân thiết, tương tác nhất quán, từ đó vừa tăng lợi thế cạnh tranh, vừa giữ chân khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận