Du lịch

Khám phá 6 địa điểm trên Trái đất mà ngỡ đang ở sao Hỏa, sao Mộc

23/08/2020, 01:00

Bạn có từng tự hỏi các hành tinh khác trông như thế nào? Không cần phải lên tàu con thoi, bạn vẫn có thể được chiêm ngưỡng "sao Hỏa, sao Mộc" khi tới những nơi này.

Highlands, Iceland

img

Ngoài các sông băng và hồ địa nhiệt, hòn đảo Bắc Âu này cũng có một vùng Cao nguyên đá rất đặc biệt. Theo NASA, khu vực này giống với vùng địa lý được tìm thấy trên sao Hỏa và từ lâu đã trở thành bãi thử nghiệm được các nhà khoa học sử dụng để hiểu rõ hơn về sự hình thành địa chất tại sao Hỏa. Việc điều tra địa hình ở đây thậm chí còn rất hữu ích trong việc quyết định các địa điểm hạ cánh tốt nhất cho tàu vũ trụ, phòng trường hợp thời cơ đến và con người cần di cư lên sao Hỏa.

Chuyên gia, nhà nghiên cứu núi lửa Christopher Hamilton, người trước đây làm việc tại Trung tâm Phi hành Không gian Goddard của NASA và hiện là thành viên nhóm máy ảnh HiRise, mô tả Iceland là nơi độc nhất vô nhị giống với sao Hỏa do các vụ phun trào núi lửa trên đảo có kích thước cực lớn, ví dụ như vụ phun trào Laki năm 1783 làm tràn ra khoảng 14km3 dung nham bazan, tạo ra những dòng dung nham lớn, tương tự như thứ được tìm thấy trên sao Hỏa.

Sa mạc Sahara, Châu Phi

img

Điều mà nhiều người có thể không nhận ra là sa mạc cận nhiệt đới lớn nhất thế giới cũng là nơi có núi lửa. Nằm ở Chad gần Dãy núi Tibesti và được biết đến với cái tên Emi Koussi, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ngọn núi lửa hình khiên này có cấu trúc khá giống với Elysium Mons, một ngọn núi lửa trên sao Hỏa được phát hiện vào năm 1972 bởi tàu thăm dò không gian không người lái Mariner 9 của NASA. Cả 2 núi lửa không chỉ chứa các hõm chảo giống nhau mà còn có các rãnh sâu do đứt gãy địa chất gây nên.

Mauna Kea, Hawaii

img

Mặc dù những bãi biển đầy cát đẹp như mơ được coi là dấu ấn của Hawaii, bang nhiệt đới này cũng tập trung nhiều núi lửa. Đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà khoa học là Mauna Kea, một ngọn núi lửa không hoạt động trên Big Island, được sử dụng như một bãi thử nghiệm cho các tàu du hành vũ trụ trong khuôn khổ dự án “sử dụng tài nguyên tại chỗ” (ISRU) do NASA và các đối tác quốc tế thực hiện. Với địa hình, sự phân bố đá, thành phần đất và lớp băng vĩnh cửu của núi lửa này, nó trở thành một địa điểm lý tưởng thử nghiệm các công nghệ được thiết kế để sử dụng trên mặt trăng hoặc các hành tinh khác.

Thung lũng Chết, California

img

Nếu có một địa điểm trên Trái đất tương đồng nhất với hành tinh khác, đó chắc chắn là Thung lũng Chết. NASA đã sử dụng thung lũng này để thực hiện các cuộc thử nghiệm trước khi đưa thiết bị khám phá Curiosity Rover hạ cánh trên sao Hỏa vào năm 2012. Đây cũng là nơi để kiểm tra 10 công cụ khoa học của người thám hiểm, bao gồm cả tia laser bắn đá, các nhà nghiên cứu đã đánh giá khả năng của Curiosity Rover mô phỏng trên cảnh quan tại đây trước khi phóng lên sao Hỏa.

Đảo Devon, Canada

img

Đảo Devon là đảo không có người ở lớn nhất hành tinh, khiến nó trở thành một điểm chính để nghiên cứu địa chất. Mỗi mùa hè kể từ năm 1997, Dự án Sao Hỏa Haughton, thuộc Viện Sao Hỏa đã tiến hành các nghiên cứu về cảnh quan đá của địa hình xung quanh, một khu vực gần giống với những gì các nhà khoa học đã nhìn thấy trên Sao Hỏa. Cả hai địa điểm đều được đánh dấu bằng miệng núi lửa và đá rời, khiến cho Đảo Devon trở thành địa điểm lý tưởng để nghiên cứu các hoạt động ngoài hành tinh (EVA) và công nghệ khai thác. Các nhà nghiên cứu thường xuyên thử nghiệm các nguyên mẫu ở đây, bao gồm K10, một robot mà NASA thiết kế để hỗ trợ con người trong các sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa trong tương lai.

Núi lửa Kilauea, Hawaii

img

Chùm núi lửa Io trên sao Mộc là điểm núi lửa hoạt động mạnh nhất trong hệ mặt trời của chúng ta. Io có lỗ phun luồng lửa (một hỗn hợp khí và các hạt) rất mạnh phụt ra theo chiều dọc. Trên Trái đất của chúng ta có Hawaii là một trong những điểm nóng núi lửa. Sau khi xem xét hình ảnh được chụp bởi tàu vũ trụ Galileo, các nhà nghiên cứu của NASA đã lưu ý rằng núi lửa Prometheus của Io có một điểm tương đồng kỳ lạ với núi lửa Kilauea tại Hawaii. Đặc điểm của cả 2 núi lửa này đều có các vụ phun trào tồn tại lâu dài và dòng chảy đi qua các ống dung nham, tạo ra các chùm khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hơn, trong trường hợp của Kilauea là do vị trí nằm gần Thái Bình Dương. Bằng cách nghiên cứu Kilauea, các nhà khoa học tại Đài quan sát núi lửa Hawaii đang hiểu rõ hơn về nguyên nhân của núi lửa trên Io, phát hiện ra một quá trình thủy triều tương tự như những gì chúng ta thấy trên Trái đất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.