Đó là nơi các phi công và tiếp viên nghỉ ngơi trong chuyến bay dài.
Khách sạn kiểu “con nhộng”
Thông thường, trên các máy bay đời mới hơn, chẳng hạn như Boeing 787 hoặc Airbus A350, khu vực nghỉ ngơi của phi công và phi hành đoàn được bố trí phía trên cabin chính, ở phần thân trên máy bay.
Còn ở các loại máy bay cũ hơn, khu vực này có thể nằm trong khoang để hàng hoặc ngay tại cabin chính.
Thông thường nơi nghỉ được chia thành hai khu vực: Khu vực dành cho phi công, thường có hai giường tầng và một ghế tựa, được bố trí ở gần buồng lái.
Khu vực còn lại dành cho phi hành đoàn, thường có 6 giường tầng trở lên và được sắp xếp gần nơi đồ ăn và thức uống được chuẩn bị và lưu trữ.
Nơi nghỉ ngơi của phi công trên máy bay Boeing. Nguồn - Boeing CNN
Theo hãng tin CNN, các hãng hàng không thường được đưa ra yêu cầu về thiết kế khu vực nghỉ ngơi của phi hành đoàn ngay từ khi đặt máy bay.
Tuy nhiên, các thông số chính thường do yêu cầu từ các cơ quan quản lý, chẳng hạn như ở Mỹ là Cục Hàng không Liên bang quyết định.
Các cơ quan chức năng thường yêu cầu khu vực nghỉ ngơi của phi hành đoàn phải ở vị trí không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, mùi hôi và độ rung.
Bởi những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của phi hành đoàn và việc kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng.
Các giường tầng phải có kích thước 78x30 inch (198x76 cm) và không gian bao quanh phải rộng ít nhất 1m2. Ngoài ra, còn có khu vực sử dụng chung, rộng ít nhất 1,8m2.
Kiến trúc này gần giống với khách sạn kiểu “con nhộng” của Nhật Bản, gồm không gian ngủ không cửa sổ, chật chội nhưng ấm cúng; có ổ cắm điện và đèn, các thiết bị an toàn cần thiết như mặt nạ dưỡng khí, hệ thống liên lạc nội bộ...
Trên thực tế, theo bà Susannah Carr, nhân viên hãng United Airlines, người từng làm việc trên các mẫu máy bay Boeing 787, 777 và 767, nơi nghỉ có thể được sắp xếp khá thoải mái.
Khu vực nghỉ thường có một tấm đệm, một lỗ thông hơi để giữ cho không khí lưu thông và kiểm soát nhiệt độ để căn phòng mát hơn hoặc ấm hơn, có các loại khăn trải giường, tương tự như các loại được sử dụng ở hạng thương gia trên các chuyến bay quốc tế.
Nhưng ở các máy bay cũ như Boeing 767, khu vực nghỉ ngơi được đặt trong cabin chính và chỉ là những chiếc ghế tựa có rèm che xung quanh.
Một điểm chung là dù khu vực nghỉ lớn hay nhỏ, là giường hay ghế thì tất cả đều được thiết kế làm sao để không thu hút sự chú ý của hành khách.
Phân chia khu vực nghỉ theo… thâm niên
Trên các chuyến bay đường dài, các thành viên phi hành đoàn thường dành ít nhất 10% thời gian bay để nghỉ ngơi.
Bà Karoliina Åman, tiếp viên của hãng Finnair, từng làm việc trên máy bay Airbus A330 và A350 cho biết, trung bình các tiếp viên dành khoảng 1,5 giờ cho mỗi chuyến bay đường dài.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào hãng hàng không và thời gian bay, thậm chí thời gian nghỉ ngơi có thể kéo dài đến vài giờ.
Phi hành đoàn nghỉ ngơi trên Boeing 777. Nguồn - Boeing
“Vì chúng tôi không có nơi riêng tư trên máy bay để ăn trưa hoặc nghỉ giải lao nên khoảng thời gian ở khu nghỉ ngơi cực kỳ quan trọng và hữu ích. Đây là thời điểm duy nhất trong suốt chuyến bay chúng tôi không cần làm bất kỳ việc gì.
Mục đích của việc nghỉ ngơi này là để duy trì sự tỉnh táo và sẵn sàng trong cả chuyến bay để nếu có điều gì bất ngờ xảy ra, chúng tôi sẵn sàng hành động”, bà Åman chia sẻ.
Các khu vực nghỉ ngơi được đóng cửa trong quá trình cất cánh và hạ cánh và nơi này được sử dụng theo ca làm việc, do tiếp viên trưởng quản lý.
Tiếp viên trưởng cũng là người được sử dụng một giường tầng đặc biệt gần lối vào của khu vực nghỉ ngơi, có quyền tiếp cận hệ thống liên lạc nội bộ để liên lạc với phi công cùng những người còn lại trong phi hành đoàn.
Bà Carr giải thích: “Trong ngành của chúng tôi, tất cả đều dựa trên thâm niên, từ lịch trình bay đến các tuyến đường có thể bay, thậm chí đến cả ngày nghỉ.
Bạn làm việc càng lâu, các đặc quyền càng nhiều và một trong những đặc quyền đó là chọn thời gian nghỉ ngơi. Người có thâm niên cao nhất trên chuyến bay cũng có thể chọn xem họ thích nghỉ giải lao trước hay sau và là người duyệt qua danh sách nghỉ giải lao”.
Với khu vực nghỉ ngơi dành cho phi công, nơi đây được bố trí tách biệt với khu vực dành riêng cho tiếp viên và nằm sát buồng lái. Khu vực này có hai giường tầng (hoặc thậm chí chỉ một giường trên các máy bay cũ) và luôn có một ghế ngồi, đôi khi được trang bị thiết bị giải trí.
Ông Aleksi Kuosmanen, cơ phó của hãng Finnair và thường lái các máy bay A330, A350 cho biết: “Tôi thường ngủ rất ngon ở đây vì khu vực nghỉ ngơi của máy bay đời mới có rèm cửa rất tốt, có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, hệ thống thông gió tuyệt vời và cách âm tốt hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận