Xã hội

Khám phá xã đảo chỉ có 1,3km đường độc đạo

Chuyến đò cuối tuần đưa chúng tôi từ huyện duyên hải Cần Giờ (TP.HCM) ra xã đảo Thạnh An. Từ bến đò Tắc Suất, đảo xa rõ mồn một.

Cạnh đó là cảng trung chuyển quốc tế Phú Mỹ thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu với những cần cẩu vươn cao…

Điểm du lịch mới

img

Khách trên tàu ra đảo Thạnh An, giá tiền 15.000 đồng/người/lượt

Trên tàu người ngồi chen chúc, khoảng 60-70 khách. Vé ra đảo mỗi người 15.000 đồng, thu tiền khi tàu chạy. Đa số là khách từ nội thành TP.HCM cuối tuần ra đảo đổi gió.

Anh Lê Thành Công, 45 tuổi, chủ một cơ sở nhỏ ở quận Tân Phú hôm nay ra đảo cùng gia đình.

“Cứ vài tháng tôi lại đưa vợ con ra đảo chơi. Nay đi, ngày mai về. Trên đảo có vài nhà lưu trú dạng homestay, ổn lắm. Yên tĩnh, thanh bình, hải sản ngon và rẻ”, anh Công cho biết.

Tàu chạy chừng 10 phút là các cặp đôi trẻ tựa đầu vào vai nhau gà gật. Trạng thái lắc lư làm người ta dễ buồn ngủ. Phần lớn người ra đảo cuối tuần là các bạn trẻ, chừng 20-30 tuổi. Họ thích khám phá hòn đảo hoang sơ này.

Tàu cập bến sau 45 phút. Ngay cầu cảng có đồn biên phòng, cũng là điểm đầu tiên của con đường bê tông độc đạo trên đảo.

Đường rộng khoảng 4m, dài 1.342m từ đầu đảo đến cuối đảo, thường bị ngập khi triều cường. Đi hết con đường, một bạn gái trẻ reo lên vì một phát hiện thú vị: “Xã này không có chiếc xe hơi nào!...”. Có lẽ đây là xã có con đường ngắn nhất ở Việt Nam!

Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó chủ tịch xã Thạnh An cho biết, con đường được làm cách đây 4-5 năm, khi đảo được đầu tư từ chương trình nông thôn mới. Để làm được con đường này rất gian nan. Cát, đá, xi măng… đều chở ra từ đất liền.

“Đường được làm, điện được kéo, trường cấp 2, 3 được xây dựng nên mấy năm nay, Thạnh An có sinh khí, cuộc sống nhộn nhịp, du khách kéo tới. Hàng quán mọc ra, chợ búa tấp nập”, ông Sơn cho hay.

Mười lăm năm trước, đảo chỉ có lèo tèo 3-4 chiếc xe máy. Nay xe máy nhiều hơn. Ông Sơn cho biết, xã đang tính tới chuyện hạn chế xe máy xăng, khuyến khích người dân dùng xe máy điện để hình thành lối sống xanh.

Trên các chuyến tàu ra đảo và ở cầu cảng có bảng nhắc nhở “xin hạn chế dùng túi ni lông”. “Biết là thay đổi một thói quen là rất khó nhưng chúng tôi nghĩ kiên trì sẽ làm được”, ông nói.

Trên đảo có các quán hải sản tươi ngon, giá rẻ. Tôm, cua, ghẹ, cá… con nào cũng tươi. Tôm tít to như cổ tay, 4 con một ký, giá 800.000 đồng/kg.

Bữa trước, ở biển Mũi Né (Phan Thiết), tôm tít cũng size cỡ này, chúng tôi thấy nhà hàng báo giá 2,5 triệu đồng/kg. Ghẹ cũng vậy, 300- 400 nghìn/kg, tuỳ kích cỡ. Rồi cá đối tươi nước, mực nướng, bạch tuộc nướng, ốc các kiểu… món nào cũng rẻ.

Đường đến xã đảo không xa

img

Xã đảo Thạnh An bốn bề giáp biển, có rừng phòng hộ xanh ngắt

Từ nội thành TP.HCM đi Thạnh An (Cần Giờ) rất dễ. Khách đi xe cá nhân thì khỏi bàn. Còn muốn đi xe buýt thì vô cùng thuận tiện.

Từ bến xe buýt trung tâm, có hai tuyến xe đi Cần Giờ là tuyến số 20 và số 75. Lên tuyến buýt số 20, đi từ Bến Thành tới phà Bình Khánh thì xuống, mua vé qua phà và ở phía bên kia lên xe buýt số 90, chạy một hơi tới bến tàu Cần Thạnh đi đảo Thạnh An. Giá vé mỗi tuyến 7.000 đồng (học sinh, sinh viên có giảm giá).

Hoặc khách muốn đi thẳng thì lên xe buýt số 75, chạy một hơi từ Bến Thành đến Cần Thạnh luôn, giá vé 30.000 đồng (không trợ giá). Toàn tuyến này dài khoảng 60km. Tới Cần Thạnh thì lên đò, 45 phút sau có mặt ở xã đảo Thạnh An.

img

Con đường độc đạo dài 1,342km trên đảo

Cần Giờ những năm chiến tranh chống Mỹ là căn cứ nổi tiếng với đội đặc công rừng Sác. Giờ đây, Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu Ramsai, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của thế giới, là lá phổi của TP.HCM.

Gần đây, có một số đề xuất làm cầu vượt biển nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu. Cũng đang có dự án khu đô thị 3.000ha ở thị trấn Cần Thạnh và dự án lấn biển Cần Giờ trước đó làm giá đất mấy năm qua sôi sục. Một dự án cảng trung chuyển quốc tế tại đây đang được TP.HCM nghiên cứu.

Người Sài Gòn ai cũng biết huyện Cần Giờ, biết chiến khu rừng Sác, biết đảo khỉ nhưng ít ai biết về xã đảo Thạnh An.

Thạnh An được Quốc hội công nhận là xã đảo của TP.HCM năm 2021, chính danh xuất hiện trên bản đồ hành chính và được hưởng mọi ưu đãi của xã đảo.

“Đại bản doanh” của xã nằm trên cù lao Phú Lợi, có diện tích 131km2, dân số khoảng 4.600 người.

Theo ông Đặng Hoàng Sơn, dân bản địa cố cựu chiếm không tới một nửa, còn lại là người nhập cư.

Dân đảo chủ yếu làm nghề chài lưới và nuôi trồng thủy, hải sản. Một số làm muối. Người nghèo vẫn còn nhiều, tuy đã giảm nhưng vẫn còn chiếm 29%.

Thạnh An bốn mặt giáp biển, hạn chế cho nền kinh tế sản xuất. Nhưng nếu biết tận dụng lợi thế làm dịch vụ, du lịch xanh, chắc chắn Thạnh An sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn, cư dân sẽ sung túc và TP.HCM có thêm một điểm đến đặc biệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.