Đường ngang tại ngõ 512 Ngọc Hồi bị che khuất tầm nhìn bởi các chướng ngại vật |
Đường ngang thành điểm đen
Lái tàu Lê Văn Chung, thuộc Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn chia sẻ, trong nghề lái tàu sợ nhất là thời điểm tàu sắp đến các điểm đen nguy cơ xảy ra TNGT cao. “Không chỉ lối dân sinh, ngay tại đường ngang có gác nhiều khi cũng “dính” TNGT”, ông Chung nói và cho biết, tại các đường ngang phòng vệ bằng biển báo và thiết bị cảnh bảo tự động, nếu người dân không chú ý quan sát rất dễ xảy ra TNGT. Nhiều đường ngang dù có nhân viên gác chắn, nhưng phòng vệ bằng cần chắn, có người còn ra nâng cả cần chắn để điều khiển xe đạp, xe máy lách qua, trong khi tàu đang đến.
Lái tàu Hà Minh Tâm (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) chia sẻ thêm, hiện còn nhiều đường ngang, lối dân sinh bị che khuất tầm nhìn bởi nằm trên đường cong hoặc do cây cối, nhà cửa, biển hiệu xây dựng sát đường sắt che khuất, khiến cả lái tàu và người dân khi đi qua giao cắt khó quan sát, không phản ứng kịp thời khi tàu đến. “Mỗi khi qua đây, là cánh lái tàu chúng tôi đều phải cảnh giác cao độ, chỉ cần sơ sểnh là xảy ra TNGT”, anh Tâm nói.
"Để xóa bỏ các điểm đen này cần có nhiều giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị liên quan và nhất là chính quyền địa phương. Ngoài tổ chức cảnh giới, địa phương cần quản lý tốt hành lang ATGT đường sắt, phòng chống lấn chiếm, vi phạm; quản lý các lối đi dân sinh, không được để phát sinh”. Ông Vũ Tá Tùng |
Còn anh Đặng Giáp Mệnh (Công ty CP Quản lý xây dựng đường bộ 1 Hà Nội) hiện đang cảnh giới tại đường ngang cảnh báo tự động Km18 tuyến đường sắt Bắc - Nam (do TP Hà Nội đảm nhận công tác cảnh giới) chia sẻ: “Đường ngang này phòng vệ bằng tín hiệu đèn, chuông. Cuối năm 2016, ngành Đường sắt lắp thêm cần chắn tự động. Nhưng nhiều lần vào ban đêm, lái xe ô tô đâm hỏng cả cần chắn”.
Thực tế, ghi nhận của PV Báo Giao thông, chỉ vài km từ khu Nhà Dầu (đường Giải Phóng, Hà Nội) đến Văn Điển, có hàng chục điểm đường ngang, lối đi dân sinh nằm trên đường cong hoặc bị che khuất tầm nhìn. Đơn cử tại khu vực xung quanh ngõ Hoàng An (đường Lê Duẩn), vài phút lại có xe máy, xe đạp lao thẳng từ trong ngõ hẹp qua đường sắt do ngõ sát đường ray, lại dốc.
Còn tại vị trí vào ngõ 512, đường Ngọc Hồi, không có gác chắn cũng như thiết bị cảnh báo nhưng đường ngang quá rộng, bên phải lý trình xuôi phía Nam có nhiều chướng ngại vật che khuất tầm nhìn như hàng rào, xe rác… trong khi lưu lượng xe từ trong ngõ ra rất đông. “Chỉ cần sơ sểnh hoặc không để ý khi tàu đến gần là xảy ra tai nạn ngay”, anh Nguyễn Nam Giang, người dân sống ở đây cho biết.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Văn Thư, Phó ban An ninh - ATGT Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra tại các giao cắt cùng mức giữa đường sắt - đường bộ. Hiện, có gần 6.000 đường ngang và lối đi dân sinh, nhưng không phải điểm nào cũng là điểm đen mà phải theo mức độ vi phạm tiêu chuẩn an toàn để đánh giá, xác định.
Theo ông Thư, bằng trực quan, người tham gia giao thông có thể nhận biết, đánh giá được nguy cơ mất ATGT, để chủ động phòng tránh khi đi qua giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ. Đó là, các yếu tố: Hạn chế tầm nhìn của người lái tàu và người tham gia giao thông đường bộ; Lối đi có độ dốc cao, dễ gây chết máy cho phương tiện giao thông đường bộ; Bề mặt lối đi không bằng phẳng, dễ gây sự cố cho người tham gia giao thông và phương tiện giao thông; Đoạn đường bộ nối từ đường ngang đến đường bộ (chạy song song liền kề đường sắt) quá ngắn, rất dễ xảy ra trường hợp phương tiện giao thông đường bộ bị mắc kẹt trên đường sắt mà không thể tiến hay lùi được vì vướng các phương tiện giao thông đường bộ khác.
Ông Thư cũng cho biết, thống kê giai đoạn năm 2011-2016, toàn mạng lưới đường sắt có hơn 180 vị trí giao cắt có từ 2 vụ TNGT đường sắt trở lên. Trong đó, xảy ra tại 50 vị trí đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang biển báo, 131 vị trí còn lại là lối đi tự mở qua đường sắt.
“Để xóa bỏ những điểm đen này, từ đầu năm 2017 đến nay, ngành Đường sắt phối hợp với các địa phương cải tạo, khắc phục bằng nhiều biện pháp như: Nâng cấp, cải tạo lối đi; nâng cấp mức độ phòng vệ; tổ chức cảnh giới; cắm biển báo”, ông Thư nói.
Báo cáo Bộ GTVT về việc triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Tá Tùng cũng cho biết, ngành Đường sắt đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT các địa phương rà soát, tổng hợp các vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt (bao gồm cả đường ngang và lối đi tự mở) để có phương án xây dựng gờ giảm tốc phía đường bộ. Trong đó, có 97 vị trí đường bộ thuộc Tổng cục quản lý, còn lại 1.583 vị trí do các địa phương quản lý. Cùng đó, đường sắt cũng tiến hành rào chắn, thu hẹp gần 900 lối đi dân sinh, xóa bỏ 231 vị trí. Giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt, phát quang, đảm bảo tầm nhìn tại hơn 400 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt. Tiến hành cảnh giới bổ sung tại 120 vị trí đường ngang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận