Gia tăng bệnh nhi tay chân miệng thể nặng
Vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao không hạ, nhiều nốt ban đỏ ở tay, chân và miệng, giật mình nhiều, bé A.N. (26 tháng, Bắc Giang) được chẩn đoán mắc Tay chân miệng, có biến chứng viêm não.
Mẹ bé A.N chia sẻ: “Đầu năm con đã mắc tay chân miệng một lần với biểu hiện sốt, lở loét miệng, nhưng điều trị tại nhà vài ngày là khỏi, nên lần này khi bé mắc lại, tôi không nghĩ là con bị nặng như vậỵ. Cũng may là được điều trị kịp thời, nên con đã tỉnh táo và chuẩn bị được ra viện”.
Bác sĩ BV Nhi Trung ương đang điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng nặng
Cũng tại đây, bé M.Q. (12 tháng, Vĩnh Phúc), được chẩn đoán mắc tay chân miệng chủng virus EV71, có biến chứng viêm não. Trước khi nhập viện 2 ngày, bé M.Q. có biểu hiện sốt cao, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém, nhưng cha mẹ chỉ nghĩ con sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Đến khi thấy con giật mình, nôn trớ nhiều, gia đình mới vội vàng đưa con đến bệnh viện.
ThS. BS. Đỗ Thị Thuý Nga, Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Bệnh tay chân miệng gây ra biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay khoa chúng tôi tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu và cuối giấc ngủ, bên cạnh dấu hiệu run chân, đi lại loạng choạng…”.
TS. BS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin: Hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).
Các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, các ca nhiễm EV71 thường nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Cùng với Hà Nội, tại TP.HCM, diễn biến dịch tay chân miệng cũng vô cùng phức tạp. Theo TS. BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện các bệnh viện tuyến cuối của thành phố gần đây tiếp nhận các ca bệnh nặng tăng.
Tại BV Nhi đồng 1, tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây, dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt, số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước và đã có 4 ca tử vong.
Ngày 21/6, bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, những năm trước phải đến tháng 8,9 khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới, bệnh tay chân miệng mới tăng, nhưng năm nay có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới.
Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.
Khó khăn nguồn cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng nặng
Trước diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng, ông Vĩnh Châu chia sẻ, điều đáng lo ngại là nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nặng (như Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm truyền) gặp khó khăn do tình trạng khan hiếm toàn cầu. Đầu tháng 6, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và hiện đã có một số thuốc đang chờ kiểm nghiệm, dự kiến trong thời gian tới thành phố sẽ có khoảng 4.000 lọ Immunoglobulin để phân phối đến các bệnh viện.
Trong cuộc làm việc mới đây với TP.HCM, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, TP.HCM và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình dịch tay chân miệng. Đối với thành phố, hay các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, ông Lân cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca mắc hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tử vong.
Còn ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục quản lý Dược, Bộ Y tế cho hay, hiện nay một số loại thuốc điều trị tay chân miệng phụ thuộc vào nguồn sinh phẩm, vùng nguyên liệu cũng như yêu cầu ngặt nghèo trong quá trình sản xuất nên các đơn vị phải dự tính được nhu cầu sử dụng các loại thuốc, để phối hợp với các đơn vị cung ứng, sắp xếp nhập thuốc theo số lượng phù hợp.
Sắp tới Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế về dược để quản lý và sử dụng tốt hơn để không xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu thuốc trong điều trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận