Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) đáp ứng chất lượng, tiến độ yêu cầu.
Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA6, tư vấn khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu Đuống mới để phê duyệt trước 30/5/2022. Ảnh: Cầu Đuống đang khai thác
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký nêu rõ: Dự án thực hiện nâng cấp công trình cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống nhằm tăng cường năng lực vận tải đường thủy là hết sức cần thiết, cấp bách.
Tuy nhiên, các công trình này có ảnh hưởng đến dự án khác như: Tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, cầu đường bộ nối giữa phía Bắc và Nam sông Đuống theo quy hoạch mạng lưới giao thông của Thủ đô.
Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Ban QLDA6, Tư vấn tiếp thu ý kiến của các đơn vị, phân tích làm rõ các hạng mục phân kỳ đầu tư theo giai đoạn, đảm bảo tận dụng tối đa cho giai đoạn hoàn chỉnh. Cập nhật, đánh giá đầy đủ tình hình tổ chức giao thông hiện trạng của các nút giao, phạm vi kè đã được xây dựng, đường dân sinh, dân cư, hiện trạng khai thác đường sắt hiện tại và quy hoạch đường sắt trên cao sau này để lựa chọn giải pháp thiết kế cho phù hợp.
Cùng đó, cập nhật đầy đủ các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án để trình Bộ GTVT phê duyệt theo quy định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; Nghiên cứu, tính toán quy mô đường hai đầu cầu phù hợp với quy hoạch và đảm bảo khả năng kết nối sau này cũng như đảm bảo giao thông trong quá trình khai thác, sử dụng.
Về các hạng mục công trình, Thứ trưởng yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ lưỡng phạm vi, giải pháp gia cố kè hai bên bờ sông của dự án. Tiếp tục nghiên cứu giải pháp thiết kế đường lánh nạn, đường an toàn; Đường an toàn ở làn đường sắt số 1 của ga Yên Viên, lưu ý xây dựng quy trình khai thác trong bước tiếp theo để Tổng công ty Đường sắt VN đưa vào yêu cầu tác nghiệp sau này. Việc bố trí đường sắt của khu vực cần có dự kiến, định hướng bố trí ga đường sắt đô thị trong tương lai và đánh giá tác động đối với ga Yên Viên hiện hữu.
Cầu Đuống hiện hữu kết hợp 2 loại hình đi chung: Đường sắt ở giữa, hai bên là phần đường bộ.
Về tổ chức giao thông, phải nghiên cứu, phân tích cụ thể phương án tổ chức giao thông theo nguyên tắc tổ chức giao thông đô thị để đảm bảo lưu thông cho các hướng kết nối được thuận lợi.
Về phương án GPMB, Ban QLDA6, Tư vấn phối hợp chặt chẽ với địa phương để rà soát kỹ lưỡng khối lượng và giá trị GPMB phù hợp với thực tế, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư. Trong đó tiếp tục nghiên cứu, so sánh và kiến nghị phạm vi GPMB phù hợp, thuận lợi cho giai đoạn 1 và giai đoạn hoàn chỉnh. Ban QLDA6 phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và địa phương trong việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đảm bảo quy định.
“Về tổng mức đầu tư, yêu cầu yêu cầu Ban QLDA6, Tư vấn kiểm tra, rà soát, tính đúng, tính đủ, phù hợp với điều kiện thực tế thi công, kể cả thanh thải chướng ngại vật đảm bảo giao thông đường thủy, phương án tổ chức đảm bảo giao thông trong quá trình thi công, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, không vượt tổng mức đầu tư dự kiến đã được phê duyệt. Ban QLDA 6 khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, làm cơ sở phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 30/5/2022”, văn bản nêu rõ.
Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có tổng vốn dự kiến gần 1.900 tỉ, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025.
Dự án xây dựng mới riêng rẽ 2 cầu đường bộ, đường sắt thay vì kết hợp hai loại hình đi chung một cầu như hiện nay. Sau khi hoàn thành xây dựng cầu mới, sẽ dỡ bỏ cầu hiện tại.
Mục tiêu của dự án nhằm từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc thành phố; Đồng thời, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận