Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy và đưa được 3 nạn nhân ra gồm: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, đại úy Lê Ánh Sáng và thượng úy Lê Quang Thành (đều thuộc Trạm CSGT Madagui), phụ trách nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giữ gìn ANTT và ATGT trên đèo Bảo Lộc.
Xuyên đêm tìm kiếm người mất tích.
Theo ghi nhận, khoảng 19h ngày 30/7, lực lượng cứu hộ đã tìm và đưa được thi thể của một nạn nhân, đến khoảng 22h đã tìm và đưa thêm thi thể hai nạn nhân ra khỏi hiện trường.
Sau đó, trong suốt quá trình tìm kiếm, do thời tiết mưa lớn, khối lượng đất đá nhiều nên khoảng 3h15 ngày 31/7 công tác tìm kiếm đã tạm thời dừng lại.
Đến 7h sáng nay (31/7), lực lượng chức năng sẽ tiếp tục công tác tìm kiếm nạn nhân còn lại. Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đưa nhiều chó nghiệp vụ đến hiện trường để tìm kiếm.
Trong đêm 30/7, lực lượng chức năng đã hy động 12 máy đào, 6 máy xúc cùng hơn 300 người thuộc nhiều lực lượng khẩn trương tìm kiếm nạn nhân cũng như giải phóng hiện trường vụ sạt lở. Trong quá trình đào bới, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 1 chiếc xe chuyên dụng của cảnh sát giao thông bị vùi lấp.
Hiện, điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc đã khai thông, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, sau khi giải phóng hiện trường, các phương tiện vẫn chưa được lưu thông. Sau khi giải phóng hiện trường, hoàn tất công tác cứu hộ, các đơn vị chức năng sẽ đánh giá lại toàn bộ tuyến đèo Bảo Lộc, đảm bảo an toàn mới cho xe cộ lưu thông.
Như Báo Giao thông đưa tin, khoảng 15h ngày 30/7, đèo Bảo Lộc đoạn qua trụ sở chốt CSGT (thuộc Trạm Cảnh sát Giao thông Madaguôi) bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục khối đất đá đã sạt lở trượt từ trên đỉnh đèo xuống lấp toàn bộ mặt đường quốc lộ 20. Một phần trụ sở chốt CSGT bị vùi lấp làm 3 cán bộ, chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp.
Tại thời điểm xảy ra sạt lở, một chiếc xe khách loại 45 chỗ đang lưu thông trên đèo đã bị đất đá đẩy trôi vào hộ lan về phía vực trên đèo Bảo Lộc, cùng một chiếc xe ô tô con cũng bị vùi lấp.
Ngay bây giờ đèo Bảo Lộc vẫn đang tiếp tục mưa lớn.
Lượng đất lớn tràn xuống đường đã hất ngang ô tô loại 51 chỗ ngồi chắn ngang đèo Bảo Lộc và vùi lấp 1 ô tô khác (không gây thiệt hại về người). Giao thông đèo Bảo Lộc và QL55, ngày 30/7 bị chia cắt. Các phương tiện giao thông được hướng dẫn để di chuyển theo hướng đèo con Ó qua huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và tỉnh lộ 721, tỉnh lộ 725.
Mưa lớn cũng làm nước ngập 4 hộ dân tại tổ dân phố 7 thị trấn Đạ M’ri (ngập dưới 0,5m) và ngập úng một số diện tích cây trồng. Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai thị trấn đã kịp thời di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.
Tại TP Bảo Lộc, nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước sông Đại Bình và các nhánh suối dâng cao gây ngập úng cục bộ tại một số vị trí. Hai xã Đại Lào và Lộc Châu xảy ra ngập úng trên diện rộng làm ngập nhiều nhà dân (dưới 1m), ngập trường mẫu giáo thôn 2 Đại Lào, ngập cầu thôn 9 Đại Lào, ngập đường Phan Huy Ích thôn 10, 11 xã Đại Lào làm chia cắt 2 thôn 7 và 9. Hai căn nhà cấp 4 tại hẻm 814, QL20 bị sập một phần. Phường B’Lao, phường Lộc Sơn và phường 2 bị ngập úng cục bộ.
Sáng nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Công điện nêu rõ, những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân; đặc biệt ngày 30/7, trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân bị vùi lấp. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.
Công điện cũng chỉ đạo, ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt thiên tai, mưa lớn vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là tại các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên, khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát bị nạn theo quy định; xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở; kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, nhất là Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và tuyến quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận