Mật độ phương tiện giao thông đoạn ngã ba Nguyễn Văn Linh, cầu Rào 2 vốn đã căng thẳng nhưng DN Hoàng Long vẫn đề nghị cho xe qua đây |
Trong khi nhiều DN nghiêm túc chấp hành thì Công ty TNHH vận tải Hoàng Long (Công ty Hoàng Long) lại một mình đề nghị được chạy hướng riêng. Thậm chí khi không được chấp thuận, Hoàng Long còn cố tình chạy sai luồng tuyến, đồng thời phát đơn kiến nghị khắp nơi.
Một mình, một sân…
Sau khi nghiên cứu các điều kiện tổng thể về quy hoạch giao thông Hải Phòng, Sở GTVT Hải Phòng mới đây đã có hướng dẫn các phương tiện vận tải khách liên tỉnh từ các bến xe nội thành Hải Phòng theo QL5 sang QL10 đến nút giao cao tốc tại huyện An Lão để nhập làn vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Hiện đã có 7 đơn vị vận tải đăng ký đi trên cao tốc với 124 chuyến/ngày góp phần giảm tải cho QL5. Tuy nhiên, phía Công ty Hoàng Long đề nghị cho xe khách của mình từ Bến xe Niệm Nghĩa đi theo hướng Nguyễn Văn Linh, qua cầu Rào, đường Phạm Văn Đồng để lên nút giao điểm cuối của cao tốc với lý do hành trình này sẽ giảm thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Tuy nhiên, trước đó, Sở GTVT Hải Phòng đã nghiên cứu lộ trình đi từ Bến xe Niệm Nghĩa theo QL5, QL10 đến nút giao cao tốc QL10 dài 23,9 km, ngắn hơn gần 12km lộ trình mà Hoàng Long đưa ra là 35,6 km. Đó là chưa nói đến việc phương tiện của Hoàng Long lưu thông toàn bộ trong nội đô trước khi lên cao tốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ách tắc giao thông. Chị Nguyễn Thị Thảo ở phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết: “Mỗi tháng, 4 lần tôi đi xe khách của nhiều hãng khác nhau lên Thủ đô. Trong khi các xe chạy tuyến qua An Lão lên cao tốc thì xe Hoàng Long lại chạy ngược về Đồ Sơn rồi mới tới điểm cuối của cao tốc. Nhà xe nói đi thế cho nhanh nhưng thực tế nhiều khi xe “chết dí” ở đường Nguyễn Văn Linh do đoạn này đang sửa chữa cộng với lượng xe quá đông nên đa phần chậm hơn các xe đi hướng An Lão để lên cao tốc”.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều xe khách của Hoàng Long hiện vẫn ngang nhiên chạy theo tuyến phố Phạm Văn Đồng để ra cao tốc. Thậm chí, trong các cuộc họp với Sở GTVT Hải Phòng và phát biểu trên một số phương tiện truyền thông, ông Vũ Đức Hoàng, Giám đốc Công ty Hoàng Long còn thẳng thừng: “Xe khách Hoàng Long chạy chui và đây là... lỗi của Sở GTVT Hải Phòng”.
Chạy chui, sai luồng tuyến, nên nhiều xe khách của Hoàng Long đã bị các lực lượng chức năng như CSGT, TTGT xử phạt. Lãnh đạo Trạm CSGT Cầu Rào (Phòng CSGT Hải Phòng) cho biết, đơn vị đã ra quân xử lý một loạt các xe khách chạy sai luồng tuyến đi hướng cầu Rào, Phạm Văn Đồng để lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Và Sở GTVT Hải Phòng phân luồng tuyến xe khách chạy từ nội thành ra An Lão là đúng đắn bởi tuyến đường cầu Rào 2, Phạm Văn Đồng vốn đã rất căng thẳng về giao thông, nếu cho xe khách cố định chạy sẽ thêm nguy cơ ùn tắc.
Khi bị xử phạt nhiều, Hoàng Long gửi đơn kiến nghị khắp nơi cho rằng, Sở GTVT Hải Phòng không tạo điều kiện.
Ngăn ngừa yếu tố tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông
Trao đổi với PV, phía Sở GTVT Hải Phòng cho biết, việc hướng dẫn các xe khách cố định tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xuất phát từ nghiên cứu tổng thể quy hoạch giao thông, mật độ giao thông qua các tuyến đường của TP Hải Phòng, nhằm giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô.
Cụ thể, như tuyến đường Phạm Văn Đồng từ cầu Rào 1, 2 đến Đồ Sơn (tuyến mà Công ty Hoàng Long đề nghị cho xe khách chạy) là tuyến đô thị huyết mạch phục vụ hoạt động du lịch cho nhân dân đến Đồ Sơn. Hiện trên tuyến còn có một số khu, cụm công nghiệp, hàng trăm DN hoạt động nên mật độ tham gia giao thông của các phương tiện rất lớn.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hải Phòng: “Khi hướng dẫn các DN vận tải hành khách cố định lưu thông theo tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về quy hoạch giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đồng thời phân luồng, tuyến phù hợp, giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn ùn tắc giao thông”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận