Tiếp sau các dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, ngày 18/6 tới đây sẽ thêm 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết chính thức tổ chức khánh thành (trước đó đã thông xe, cho phương tiện lưu thông từ 19/5) góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, giảm tải cho QL1.
Cung đường gần lại
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa, đôn đốc tiến độ dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết nhân dịp dự lễ khánh thành 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - QL45 ngày 29/4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vừa ra khỏi TP Nha Trang, anh Nguyễn Thành Trung (36 tuổi, trú TP Nha Trang, Khánh Hòa) dễ dàng đánh lái xe du lịch 45 chỗ ngồi vào nút giao QL27C đoạn qua xã Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hòa) để nhập đường dẫn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Theo kế hoạch, lễ khánh thành 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được tổ chức vào ngày 18/6/2023 tại 2 địa điểm.
Cụ thể, tổ chức cắt băng khánh thành dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm tại Km 33+800 dự án đường cao tốc Bắc - Nam thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Còn tại đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cắt băng khánh thành tại lý trình Km 1604+700 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài 49,11km; tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2021. Dự án do Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư, Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8km; tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, khởi công cuối tháng 9/2020. Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA 7.
“Đường 4 làn xe chạy thênh thang, có dải phân cách ngăn tai nạn khiến lái xe thêm an tâm, mặt đường êm thuận, rút ngắn tối đa thời gian lưu thông”, anh Trung nói.
Anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế taxi ở Diên Khánh (Khánh Hoà) bảo: “Trước đây muốn xuống sân bay Cam Ranh phải lưu thông đường biển hoặc QL1, nhiều khi quá tải, ùn ứ. Nhưng giờ cao tốc thênh thang, việc đón trả khách thuận lợi, tiết kiệm đến nửa giờ”.
Xuôi ngược hơn 50km cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, phương tiện lưu thông ngày càng nhộn nhịp sau ngày thông xe, cho phép phương tiện lưu thông (19/5).
Chưa đầy tiếng đồng hồ, lưu thông hết cao tốc, đến nút giao cuối Suối Dâu (Cam Lâm), các tài xế có thể rẽ vào QL1 hay TL3 đến với những địa chỉ du lịch nổi tiếng tại Cam Lâm, nằm giữa 2 thành phố Nha Trang và Cam Ranh của Khánh Hòa.
Theo bà Đỗ Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Công Ty TNHH Khang Thái Vietnam Travel (Nha Trang), Cam Lâm sở hữu nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng.
Nay có cao tốc, tiềm năng du lịch Cam Lâm càng thêm khởi sắc, bởi thời gian di chuyển cho các đoàn du lịch được rút ngắn tối đa.
Chắc chắn du lịch Khánh Hòa sẽ thu hút khách nhiều hơn từ các tỉnh phía Nam.
Tại Bình Thuận, chỉ trong chưa đầy một tháng, toàn tỉnh Bình Thuận đã có 2 tuyến cao tốc chạy qua thông xe (Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết). Nhờ thế, xe chạy từ Phan Thiết vào TP.HCM chỉ 2 giờ so với 4 giờ trước đó.
Chị Minh Hương, chủ một doanh nghiệp kinh doanh nông sản tại xã Sông Bình, (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) cho biết, trước khi có cao tốc, việc vận chuyển hàng hoá chủ yếu phải sử dụng xe ba gác chuyển ra QL1 để đưa vào TP.HCM, tối đa chỉ được khoảng 500kg/chuyến. Khi có cao tốc, xe tải thay cho xe ba gác, mỗi chuyến hàng vận chuyển được gấp 5-7 lần trước đây.
Chị Nguyễn Thị Thiện (ngụ quận 7, TP.HCM), giám đốc một công ty bất động sản ở TP.HCM cũng chia sẻ, công việc của chị thường xuyên ra Phan Thiết nhưng trước đây rất ngại đi vì mất thời gian.
Nay chỉ cần 2 giờ, đi sớm từ TP.HCM là chị có thể ngồi ăn sáng và làm việc với đối tác ở Bình Thuận.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận, chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, có hơn 160.000 lượt khách đến tỉnh này, là lượng khách rất cao so với các kỳ nghỉ lễ trước đó. Với việc thêm tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết khánh thành, chắc chắn du lịch của tỉnh sẽ có đột phá.
Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết, khi chưa có cao tốc, từ TP.HCM đến vị trí nút giao Vĩnh Hảo phải mất hơn 6 giờ. Nay khi cao tốc thông xe liền mạch, từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo chỉ còn chưa tới 4 giờ. “Đây là điều kiện quan trọng mở ra cơ hội mới trên địa bàn huyện”, ông kỳ vọng.
700 ngày vượt “bão”, đưa dự án cán đích sớm
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm mở ra trục giao thông kết nối phía Nam Nha Trang và liên vùng, giảm tải cho QL1, kết nối các khu kinh tế, sân bay, cảng biển. Đồ hoạ: Nguyễn Tường - Ảnh: Tạ Hải
Đánh vòng xe trên đoạn tuyến chính cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, kỹ sư Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) không giấu niềm vui: “Mỗi ngày thấy xe một đông, anh em thêm mừng, bởi công trình phát huy hiệu quả, được mọi người đón nhận. Sắp tới cao tốc áp dụng công nghệ thông minh vào giám sát, vận hành vừa đảm bảo lưu thông thông suốt, vừa hạn chế tối đa các sự cố trên tuyến”.
Từng tham gia hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, nhưng với anh Huy, 700 ngày triển khai cao tốc vừa qua là những kỷ niệm khó quên. Nha Trang - Cam Lâm không chỉ là cao tốc ghi dấu ấn mô hình đầu tư PPP, mà còn triển khai ở những thời điểm rất khó khăn vì dịch Covid-19 hay “bão” giá, khan hiếm vật liệu…
Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, Ban QLDA, sự vào cuộc của nhà đầu tư, dự án đã kịp thời bứt tốc và về đích vượt tiến độ.
Gắn bó từ ngày đầu triển khai dự án, kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc điều hành thi công dự án (Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) kể: “Giai đoạn cao điểm phòng chống dịch, đơn vị huy động 200 cán bộ kỹ sư, công nhân thực hiện nghiêm quy định 3 tại chỗ, vật liệu thiết bị tập kết sẵn. Có thời điểm giá thép tăng từ 45 - 50%, các vật liệu khác cũng khan hiếm, giá tăng rất cao. Nhưng càng khó khăn, càng hun đúc ý chí và bản lĩnh của từng cán bộ, công nhân trên công trường”.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án Nha Trang - Cam Lâm) đánh giá: “Quyết tâm cao độ và sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp dự án là yếu tố giúp dự án vượt qua hàng loạt khó khăn”.
Dịch Covid-19, “bão” giá vật liệu hay thời tiết không thuận lợi cũng là thách thức rất lớn mà các đơn vị thi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết từng phải đối mặt.
Ông Nguyễn Công Ý, Giám đốc điều hành gói thầu XL04 (Liên danh Vinaconex - VNCN E&C) kể, thời điểm đó có thể nói khó khăn chồng chất. Có thời điểm, việc thi công bị chậm tiến độ đến hơn 10%. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó, các nhà thầu đã cố gắng vượt qua.
Nhìn lại hành trình, ông Lê Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng thi công gói thầu XL01, thuộc nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Thăng Long chia sẻ: “Phạm vi gói thầu đi qua địa hình đồi, núi địa chất phức tạp, với chiều dài 20km đi qua 4 quả đồi nên nhà thầu phải cho đào, phá 4 quả đồi với khối lượng lên đến 2 triệu khối đất đá. Ngoài ra còn phải thực hiện 7 cây cầu thông qua các con suối và kênh, sông, rất vất vả khi thi công trong thời tiết mưa, lũ.
Quá trình thi công mất đến 10 tháng là dịch bệnh, cùng với vô vàn khó khăn khác. Đây là dự án nhiều kỷ niệm khó quên với hầu hết kỹ sư, công nhân tham gia thi công”.
Ở góc độ đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA 7) ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết nhìn nhận, đây là dự án gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT, nỗ lực của Ban QLDA, tư vấn giám sát và các nhà thầu, dự án đã về đích đúng hẹn và đảm bảo chất lượng.
Những bài học lớn
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đưa vào khai thác góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm và giảm tải cho QL1. Ảnh: Tạ Hải
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, thực tế triển khai thành công các dự án cao tốc trong thời gian qua để lại nhiều bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, việc các dự án về đích đúng hẹn, thậm chí vượt tiến độ trước hết là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các bộ ngành và địa phương.
Việc nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đường bộ cao tốc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Do vậy các bộ, ngành địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, cơ quan thẩm định phải có tư duy thay đổi cách chỉ đạo điều hành mới, cố gắng, tập trung nỗ lực hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất.
Trong xây dựng cơ chế, chính sách phải có tính đột phá, đồng bộ đảm bảo phù hợp với thực tiễn theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian để tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.
Cũng theo ông Minh, cần xây dựng các phương thức hiệu quả nhằm huy động tối đa nguồn lực hợp pháp, kết hợp giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường thu hút nguồn vốn tư nhân, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP.
Trong tổ chức thực hiện, mạnh dạn áp dụng mô hình địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, nhằm phát huy tính tự lực, tự cường. Các bộ, ngành trung ương tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, xây dựng hành lang pháp lý, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện và tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát.
Làm gì để hút thêm nhiều nhà đầu tư PPP giao thông?
Nút giao cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với QL27B thuộc Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Tạ Hải
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, nhìn từ thực tế triển khai dự án Nha Trang - Cam Lâm, để thu hút đầu tư PPP phải lựa chọn dự án khả thi về tài chính. Nói cách khác, nếu dự án không khả thi, sẽ không có nhà đầu tư nào tham gia.
Chính phủ đã báo cáo Quốc hội chuyển đổi 5/8 dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công. Dự án Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án còn lại tiếp tục thực hiện theo phương thức PPP, đã thành công và đưa vào khai thác sớm trước 3 tháng.
Từ thực tiễn triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho thấy một số bài học.
Thứ nhất, cần lựa chọn nhà đầu tư có thế mạnh về tiềm lực tài chính, bởi tài chính là vấn đề cốt lõi của đầu tư theo phương thức PPP. Đối với dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, ngay từ đầu khi chưa huy động được vốn tín dụng, chưa giải ngân vốn Nhà nước, nhà đầu tư phải giải ngân trước tới 50% vốn chủ sở hữu. Chưa kể những phát sinh trong quá trình xây dựng và khai thác, nếu không có tiềm lực tài chính sẽ khó có thể giải quyết.
Thứ hai, nhà đầu tư phải có đủ năng lực, kinh nghiệm để quản trị, triển khai dự án. Với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, nhà đầu tư không chỉ có kinh nghiệm đầu tư, quản trị tốt mà còn là doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực GTVT.
“Ngoài kinh nghiệm thi công, Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư có tâm huyết với ngành GTVT, luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Trong bối cảnh nguồn vật liệu khan hiếm, đội giá, doanh nghiệp vẫn nỗ lực hoàn thành, thậm chí còn vượt tiến độ”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, một bài học nữa từ triển khai các dự án PPP cho thấy, khi thành phần trong liên danh nhà đầu tư càng ít, việc triển khai dễ dàng hơn. Nếu nhà đầu tư chỉ duy nhất là 1 doanh nghiệp, càng thuận lợi hơn do quyền chủ động quyết định cao.
Thực tế, ngay cả trong quá trình thẩm định để cung cấp tín dụng, nếu liên danh có quá nhiều thành viên, công tác thẩm định của ngân hàng kéo dài đến cả năm, gây chậm tiến độ; trong khi nếu chỉ có 1 thành viên, quá trình thẩm định chỉ kéo dài 2-3 tháng có thể cung cấp tín dụng ngay.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện hợp đồng, khi phát sinh các khó khăn, nếu nhà đầu tư chỉ có 1 thành viên có thể quyết định ngay hướng giải quyết, trong khi liên danh gồm nhiều thành viên phải họp rất nhiều cuộc mới có thể đi đến thống nhất.
Về nội dung này, do pháp luật không quy định nên bản thân cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể đưa vào nội dung nhằm hạn chế số lượng thành viên trong liên danh, có thể gây hiểu lầm là hạn chế sự tham gia của một số liên danh nhà đầu tư.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để xem xét về quy định này theo hướng chỉ cho phép tối đa 2-3 thành viên trong liên danh nhà đầu tư”, ông Thành cho biết.
Ninh Cơ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận