Ngày 28/4, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức lễ khánh thành công trình Đập ngăn mặn sông Hiếu, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị.
Công trình Đập ngăn mặn sông Hiếu có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng
Dự án đập ngăn mặn sông Hiếu nằm trong danh mục quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Công trình có tổng mức vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư; được khởi công vào tháng 12/2018.
Dự án có nhiệm vụ kiểm soát mặn, ngọt; cấp nước sản xuất cho 1.293 ha đất nông nghiệp và 194 ha đất nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người. Đồng thời, kết nối giao thông bộ hai bên bờ sông Hiếu; tạo cảnh quan môi trường đô thị và phát triển du lịch...
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình
Công trình Đập ngăn mặn sông Hiếu bao gồm các hạng mục: cống ngăn mặn gồm ba khoang điều tiết nước, bề rộng thông thủy mỗi khoang 31 mét; một âu thuyền và kết hợp cầu giao thông bắc qua sông Hiếu rộng 11 mét, dài 351 mét.
Trong khuôn khổ dự án còn xây dựng nâng cấp Trạm thủy văn Cửa Việt tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh; nâng cấp sửa chữa kênh và Trạm bơm Cam Lộ; xây mới Trạm bơm Xứ Chùa và hệ thống kênh; kiên cố 44 tuyến kênh thuộc Trạm bơm Cam Lộ bị hư hỏng sau trận lũ lớn năm 2020.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi lễ
Công trình hoàn thành và đưa vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, công trình Đập ngăn mặn sông Hiếu được đầu tư với nhiệm vụ phục vụ đa mục tiêu gồm: sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, kết nối giao thông hai bên bờ sông Hiếu, đảm bảo lưu thông đường thủy. Cùng với đó, tạo cảnh quan môi trường, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch và tạo điểm nhấn kiến trúc trong quy hoạch tổng thể Tp. Đông Hà.
“Công trình hoàn thành và đưa vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; tạo động lực là khí thế mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp, tiên tiến và hiện đại. Qua đó, góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Cam Lộ, Tp. Đông Hà nói riêng”, ông Đồng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận