Sau gần 2 năm bị chồng tạt axít, chị Đặng Thị Thanh Huyền (SN 1985, ở Gia Lâm, Hà Nội) đã trải qua 28 lần phẫu thuật và vẫn còn phải đối mặt với quá trình điều trị dài ở phía trước. Nhưng với khát vọng sống mãnh liệt và tình yêu nghề, cô giáo trẻ xinh đẹp ngày nào đang nỗ lực từng bước quay trở lại với những học trò của mình.
Chỉ cần được sống
Ngày 11/2, tự chạy xe máy từ nơi trị liệu phục hồi chức năng về, Huyền khẽ khàng gạt chân chống, nhẹ nhàng bước vào nhà. Trong chiếc áo khoác ấm, khuôn mặt Huyền lộ ra rạng rỡ. Nhìn thoáng qua, người phụ nữ xinh đẹp ấy dường như chưa từng có dấu ấn tàn phá khắc nghiệt của axít.
“Đấy là tôi đội tóc giả, quàng kín khăn che hết sẹo, chứ sẹo vẫn còn nhiều lắm, ngay cả trên trán, cằm, tai, gần mắt, khoé miệng...”, Huyền nói, chầm chậm cởi áo khoác rồi giải thích thêm: Dù các chức năng vận động đã hoàn toàn bình thường, nhưng do những vùng mới phẫu thuật, sẹo chưa ổn định nên vẫn còn co kéo, vì vậy cử chỉ nào cũng phải chậm, khẽ, nhẹ nhàng.
Nhưng với một người đã từng chết lâm sàng 5 ngày, hôn mê sâu 1 tháng, bệnh viện đã đôi lần nói chuyện với gia đình về việc “lo hậu sự”, thì việc Huyền vượt qua “cửa tử” đã là điều kỳ diệu, đến ngay những người thân của chị ở thời điểm ấy cũng không dám nghĩ tới.
Ông Đặng Văn Xuân (bố chị Huyền) nhớ lại, hôm đó là ngày 24/3/2018, vợ chồng ông nhận cuộc điện thoại của chị Huyền than thở về việc bị chồng là Phạm Văn Thông (SN 1983, quê Thái Bình) hành hạ. Ông Xuân ngay lập tức đến nhà vợ chồng con gái mới thuê trọ ở phía cuối chợ Vân (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
“Trong lúc tôi đang nói chuyện với Huyền, Thông bất ngờ xuống nhà lấy can axít đã chuẩn bị từ trước đổ thẳng vào người Huyền, khi cháu ngoại tôi đang đứng ngay bên cạnh mẹ. Huyền bị đổ axít từ trên đầu xuống, toàn thân đều có vệt bỏng, trong đó vùng đầu bị nặng nhất, toàn bộ da đầu co rúm, hở cả sọ...”, ông Xuân xót xa kể lại.
Chị Huyền cũng nhớ, lúc ấy chị hứng trọn ca axít vì không đề phòng, nhưng không giám dãy giụa, vùng vẫy tay chân, cũng không dám vùng chạy vì sợ con gái đứng cạnh sẽ bị dính axít. Chị chỉ nhớ, mình nhắm nghiền mắt vội đi ra ngoài cầu cứu mọi người, rồi bất tỉnh. Khi tỉnh lại sau một tháng hôn mê, do cơ thể quá yếu và đau đớn, chị cũng chưa hình dung mình bị biến dạng như thế này. Thời điểm đó, toàn thân chị băng kín, rỉ nước và máu.
Khoảng 3 tháng sau, khi cơ thể phục hồi hơn, Huyền mới nhận ra, cô đang sống trong tình trạng không thể cử động được bất cứ bộ phận nào của cơ thể, không thể hé miệng để nói, để ăn; cũng không thể gập cổ, quay cổ; không thể gập cổ tay, gập đầu gối, những ngón tay ngón chân bị dính như chân vịt... “Lúc ấy, tôi suy sụp lắm, nghĩ mình sống không bằng chết”, Huyền nhớ lại.
Nhưng rồi, nhìn người cha già vẫn cặm cụi chăm sóc cho mình từ những việc nhỏ nhất, rồi ông thủ thỉ kể cho Huyền nghe, cô con gái nhỏ ở nhà đang rất nhớ mẹ, Huyền trào nước mắt, nghĩ mình không thể buông xuôi. “Tôi phải sống để nuôi con, để báo hiếu bố mẹ. Chỉ cần tôi được sống, tôi sẽ tự tin sống tốt, ngoại hình không còn quan trọng”, Huyền quyết tâm.
Chia sẻ, hỗ trợ người đồng cảnh ngộ
Từ khi biết trân trọng giá trị của sự sống, Huyền luôn tự nhắc mình không được trở thành phế nhân, người thừa cho xã hội, càng không thể trở thành gánh nặng cho gia đình.
Kết thúc 2 tháng điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu, Huyền tiếp tục hành trình điều trị 7 tháng tại Khoa Phục hồi chức năng. Có lẽ đây là chuỗi ngày tập luyện đau đớn như cực hình đối với chị cũng như các bệnh nhân bỏng. Bởi sau khi lành vết thương, sẹo bắt đầu bị co kéo làm biến dạng và làm hạn chế các cử động của bệnh nhân cũng như chức năng hoạt động của các bộ phận bị bỏng.
“Tôi phải bập bẹ tập nói, tập đi, tập duỗi chân, nắm tay, há miệng... Mỗi lần tập, dù chỉ là cái nắm hay duỗi cơ, các vết thương lại toé máu gây đau đớn. Tuy nhiên, có vỡ vết thương chảy máu như thế thì cơ da mới mềm và cử động lại được”, Huyền nói.
Sau khi tạt axít vào người vợ và bị bắt giữ, Phạm Văn Thông khai nhận, do nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác, nên hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, Thông đi mua 1 can axit về để ở góc nhà nhằm dọa chị Huyền. Chiều 24/3/2018, Thông và chị Huyền xảy ra cãi vã, bực tức, Thông lấy axit dội từ trên đầu chị Huyền xuống.
Thông đã bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” và tòa án phạt 7 năm tù giam.
Khi đã tự đi lại, ăn uống được, Huyền lại tập tự phục vụ bản thân, tập đi xe máy, tập soạn giáo án trở lại trong khi đầu vẫn đau buốt vì vết thương hở hộp sọ. Nhiều lúc, đầu đau quá, Huyền lại ngất lịm, nhưng lại uống thuốc giảm đau để tiếp tục luyện tập, phục hồi.
Huyền tự nhận, vụ tạt axít là khúc ngoặt đen tối của cuộc đời, nhưng cũng giúp chị nhận ra nhiều tấm lòng tốt, những giá trị trân quý trong cuộc sống. Huyền may mắn vì có cha mẹ sẵn sàng bán hết tài sản lo cho con; có con gái là bé Nhím luôn yêu thương, mong ngóng mẹ. Con gái luôn nói rất yêu mẹ, dù mẹ có bị biến dạng như thế nào.
Và các bác sỹ ở Viện Bỏng Quốc gia là ân nhân của Huyền. Trong gần 2 năm qua, Huyền cũng trải qua tổng cộng 28 lần phẫu thuật, chưa kể những lần điều trị laser và trị liệu phục hồi chức năng. Trong đó có những ca phẫu thuật được chị ví như “đánh liều với thần chết” như phẫu thuật đục sọ, ghép da; cắt da hoại tử, cấy da tự thân... “Bác sỹ còn nói, sẽ cố gắng gạn đục khơi trong, giúp Huyền dần tìm lại dung mạo xưa của mình”, Huyền xúc động kể.
Tới nay, số tiền điều trị cho Huyền đã vượt quá 1 tỷ đồng. Để có thể duy trì kinh phí điều trị ấy, Huyền nhận được nhiều tấm lòng tốt trong cộng đồng hỗ trợ.
Sống trong những ân tình ấy, suốt quá trình điều trị, Huyền gặp rất nhiều người có cùng cảnh ngộ với mình. Muốn kết nối mọi người để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm điều trị, cũng như động viên, hỗ trợ nhau vượt lên nghịch cảnh của số phận, Huyền nung nấu ý định thành lập Cộng đồng nạn nhân bỏng Việt Nam. Khi sức khoẻ ổn định hơn, tháng 5/2019, Huyền đã chính thức ra mắt nhóm Cộng đồng nạn nhân bỏng Việt Nam. Đến nay, nhóm đã có gần 1.000 thành viên tham gia, sẵn sàng giúp đỡ và lan toả nghị lực sống để cùng nhau hồi phục và vươn lên trong cuộc sống.
“Hiện giờ, tôi hoàn toàn có thể chăm sóc được bản thân và giúp đỡ được bố mẹ một số công việc nhà, chăm sóc và dạy con học. Khoảng nửa năm nay, tôi đã có thể đi dạy trở lại cho một nhóm các em nhỏ và kinh doanh online để hỗ trợ thêm tiền điều trị cho bố mẹ. Do sức khoẻ chưa ổn định hẳn và còn nhiều đợt điều trị nữa, nên tôi chưa dám nhận đứng lớp”, Huyền cho biết.
Khi hỏi về chồng cũ, Huyền nói, cô không còn muốn nhắc đến người đàn ông ấy. “Khi ly hôn xong, vì thương con, tôi đã tính tái hợp lại để con có đủ bố mẹ. Vậy mà tái hợp được 2 tuần thì xảy ra chuyện này. Giờ tôi không thù hận gì, nhưng cũng không còn muốn nói gì tới con người ấy. Tôi chỉ muốn khoẻ nhanh hơn, sớm được trở lại đứng lớp để báo hiếu cho bố mẹ và lo cho con gái nhỏ”, Huyền nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận