8g45 sáng 1/2, bạn mình nhận được cú điện thoại của cô giáo chủ nhiệm: “Chị ơi, con bị ngất và đã đưa vào phòng y tế ". Vợ chồng người bạn sợ quá phóng thẳng đến trường, thấy con trên giường bệnh vẫn còn đeo một cái khẩu trang, bên cạnh là một cái khẩu trang khác.
Cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn và cô y tế đang chăm sóc con, tất cả rất lo lắng. Kiểm tra nhịp tim, huyết áp xong, gia đình xin phép đưa con về.
Sau khi được uống nước đường với gừng, đo huyết áp, nhiệt độ... con bé ngủ một mạch đến chiều. Ngủ dậy, con ăn rất nhiều thứ, đo các chỉ số sức khỏe... tất cả đều bình thường.
Hỏi ra mới biết, con gái đeo tận hai cái khẩu trang một lúc nên không thở được, thiếu ô xy và ngất xỉu ở lớp. Hóa ra, mẹ dặn mang hai cái khẩu trang đi (đề phòng mất đâu một cái, còn một cái để dùng) thì con lại hiểu là mẹ bảo đeo hai cái khẩu trang một lúc.
Đúng là nạn nhân đầu tiên của cái khẩu trang!
Nhiều người khác đeo khẩu trang liên tục cả ngày phải dùng miệng thở nhiều hơn khiến họng bị khô và viêm họng, cũng lại trở thành mục tiêu dễ tấn công của nCoV.
Đeo khẩu trang thì cần biết những kiến thức tối thiểu, thay khẩu trang y tế khi kết thúc một hành trình, chứ không thể dùng đi dùng lại trong ngày, thậm chí vài ngày.
Khi vứt vào thùng rác phải tránh chạm vào bề mặt bên ngoài khẩu trang. Chỉ cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc trong phạm vi 2 mét với người khác.
Vì theo Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) trả lời phỏng vấn báo chí, nCoV không đủ nhẹ để bay lơ lửng trong không khí.
Cách lây của nó chỉ có thể qua giọt bắn từ người bệnh, hoặc qua việc tiếp xúc trực tiếp từ tay với bệnh phẩm rồi tới miệng, mắt, mũi người khỏe.
Thật đáng buồn là trong lúc này, người ta đã liên tục mắc sai lầm trong ứng xử với cái khẩu trang - thứ được coi là vũ khí hữu hiệu hàng đầu trong cao điểm chống virus nCoV.
Không chỉ sử dụng sai cách như câu chuyện tôi kể ở trên, mà người bán, người mua cũng đều đang tự gây họa.
Những kẻ găm hàng, bán khẩu trang quá giá gấp 5-10 lần không hiểu trong đại dịch, chỉ một người không an toàn thì những người khác đều có nguy cơ lây nhiễm.
Họ hớn hở khi lãi vài trăm, vài triệu và có thể nhiều hơn nhưng chính họ đang đem lại nguy hiểm cho bản thân khi khiến nhiều người bệnh không có tiền mua khẩu trang dùng hàng ngày.
Những người lo xa, mua gom một đống khẩu trang cất ở nhà cả tháng không dùng đến cũng vậy. Chính phủ đã khẳng định sẽ tiếp tục cung ứng khẩu trang ra thị trường, vậy tích trữ khác nào cướp đi cơ hội được an toàn của chính mình, khi người đã lây nhiễm lại không có mà đeo.
Xin được nói rõ, các chuyên gia cả trong và ngoài nước đều khẳng định khẩu trang y tế cần thiết nhất không phải cho người khỏe, mà là cho người đã nhiễm dịch. Họ phải đeo để không bắn nước bọt khi ho, hắt xì hơi ra cộng đồng, tránh lây truyền cho người khác.
Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để an toàn nhất thì cả người khỏe lẫn người đã nhiễm dịch đều cần đeo khẩu trang để hạn chế lây nhiễm và truyền dịch nhưng như đã phân tích ở trên, không nhất thiết phải đeo khẩu trang cả ngày.
Lại nữa, giữa "tháng Giêng mùa lễ hội", khuyến cáo dịch truyền nhiễm đã được các cơ quan truyền thông ra rả đưa tin nhưng cả tuần trước, hàng triệu lượt đồng bào vẫn rồng rắn đi chùa, đi đền, xếp hàng “úp thìa” vào nhau chen chân đến được nơi thắp hương, hoàn toàn không thấy hình bóng vật “linh thiêng” mùa dịch là... cái khẩu trang.
Chỉ đến khi Thủ tướng buộc phải chỉ đạo dừng các lễ hội, không tập trung đông người, toàn dân đeo khẩu trang thì mọi chuyện mới thay đổi và cơn sốt khẩu trang bùng phát với đủ chuyện dở khóc dở cười.
Nhưng như đã nói ở trên, mua được, đeo được khẩu trang trên mặt chưa phải đã an toàn mà phải sử dụng đúng cách và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ sức khỏe bản thân, chủ động ứng phó với dịch.
Nếu đủ hiểu biết, ta sẽ phòng chống dịch trong sự cẩn trọng, cảnh giác chứ không phải trong sự hoang mang, hoảng sợ dẫn tới nhiều hành vi trục lợi và trở thành nạn nhân một cách ngớ ngẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận