Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, bên cạnh việc nhiều quan chức bị khởi tố, bắt giam, tâm lý nhiều người cũng đã thay đổi, chủ động xin về hưu sớm hay nghỉ công tác khi uy tín đã không còn.
Tấn công mạnh mẽ tham nhũng khu vực tư
Với những kết quả đã đạt được, theo ông đâu là những điểm nhấn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023?
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 có những bước tiến mới, tạo được những dấu ấn rất mạnh mẽ. Điều này thể hiện bằng số vụ việc, cán bộ bị kỷ luật, khởi tố, xét xử năm 2023 tăng so hơn với các năm trước.
Năm qua, việc chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng đạt nhiều kết quả.
Bộ Chính trị đã ban hành ba Quy định 114, Quy định 131 và Quy định 132. Đây đều là những quy định quan trọng để kiểm soát các cơ quan, cán bộ có chức năng phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Từ đó ngăn chặn triệt để tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người.
Ông Nguyễn Đức Hà
Điểm nhấn đầu tiên là chống tham nhũng tiêu cực không chỉ tập trung vào khu vực công mà còn được mở rộng ở khu vực tư. Nhiều vụ án kinh tế lớn như vụ Việt Á, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC… đã giúp làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng đã thực sự đi vào nền nếp, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Chỉ trong thời gian ngắn, đồng loạt 63 tỉnh thành thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Sau hơn một năm thành lập, mô hình này tại các địa phương đã hoạt động rất hiệu quả, không còn tình trạng Trung ương làm thay địa phương như trước khi chủ động phát hiện, xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố nhiều vụ việc.
Năm 2023 số tiền thu được từ vụ án tham nhũng, kinh tế tăng hơn nhiều so với các năm trước. Cụ thể, thi hành xong trên 20.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2022.
Một điểm sáng nữa là tính tự giác trong việc xin từ chức của cán bộ. Năm 2023, số lãnh đạo xin thôi giữ chức vụ, từ chức đã tăng lên.
Tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 ủy viên thôi tham gia Ban Chấp hành. Các địa phương cũng xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có trường hợp là chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh (Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận…).
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, số cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII. Con số này nói lên điều gì, thưa ông?
Có được thành quả như ngày hôm nay là do quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đại hội XIII và quan điểm đó đã được cả hệ thống chính trị nghiêm túc vào cuộc thực hiện.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực".
Thứ hai nữa là thể hiện rất rõ nét quan điểm của Đảng là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", vi phạm đến đâu xử đến đó. Tuy nhiên, trong công tác xử lý cán bộ chúng ta cũng thấy có sự nhân văn, nhân ái.
Dần hình thành văn hóa từ chức
Đến nay đã có 14 cán bộ diện Trung ương quản lý, 22 cán bộ tại địa phương được bố trí công tác khác hoặc cho nghỉ theo nguyện vọng. Phải chăng đây là tín hiệu tốt cho văn hóa từ chức đã được nhắc đến lâu nay?
Thực ra, việc khuyến khích cán bộ từ chức đã có chủ trương từ lâu, để công tác cán bộ "có vào có ra, có lên có xuống". Nhưng trước đây nhận thức về vấn đề này có gì đó nặng nề, nên rất ít trường hợp xin từ chức. Khi Quy định 41 của Bộ Chính trị ra đời với những tiêu chí cụ thể, mọi chuyện đã khác.
Năm qua, một số Ủy viên Trung ương bị kỷ luật, thậm chí chưa bị kỷ luật nhưng thấy uy tín giảm sút đã xin từ chức. Đây là một điểm rất mới, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ đảng viên. Việc "cởi áo từ quan" đã trở thành bình thường, không phải điều gì ghê gớm.
Trong một số trường hợp, hành động "cởi áo từ quan" của một số cán bộ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, cảm thông, đánh giá cao của dư luận. Bởi họ phần nào thể hiện việc trọng liêm sỉ.
Cuộc chiến chống tham nhũng cũng đã khiến nhiều cán bộ, công chức biết sợ, thà chọn vị trí ít lợi lộc nhưng an toàn còn hơn phải vào tù…
Cần gì để cán bộ không dám tham nhũng?
Theo ông, cần thêm giải pháp gì để kiểm soát tài sản của người có chức vụ, ngăn chặn hành vi tẩu tán, dễ dàng thu hồi khi xảy ra sai phạm?
Thu hồi tài sản là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Kết quả tích cực năm qua cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, từ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Bởi nếu không phối hợp nhịp nhàng thì rất có thể, chỉ mới bị thanh kiểm tra thôi, tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, thậm chí đưa ra nước ngoài rồi.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn để bịt mọi lỗ hổng, đối tượng phạm tội không có cơ hội tẩu tán tài sản.
Tiếp đến là cần hoàn thiện cơ chế và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, tránh việc họ có bao nhiêu tài sản nhưng không ai biết chính xác.
Thực tế nhiều người đã biết sợ, song vẫn có những người "coi trời bằng vung", sẵn sàng làm điều phi pháp dù đã có những tấm gương tày liếp. Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn việc này?
Khi quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh đã tạo được sự cảnh báo, răn đe rất lớn. Hay nói cách khác là nhiều cán bộ đã biết sợ.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp "điếc không sợ súng". Ví dụ, có trường hợp lãnh đạo đơn vị, cơ quan nọ bị đi tù thì sau vài năm, lãnh đạo khác lên thay cũng bị bắt giam với lỗi y như người tiền nhiệm, thậm chí là sai phạm lớn hơn. Họ đã thực sự "coi trời bằng vung".
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Một mặt do sự thiếu tu dưỡng, trui rèn của cán bộ. Cùng với đó là sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến không ít người biết sai nhưng vẫn làm liều.
Mặt khác là trách nhiệm của cơ quan thanh, kiểm tra, giám sát và người quản lý cán bộ. Cấp trên thiếu kiểm tra, giám sát để cán bộ cấp dưới mắc khuyết điểm, sai phạm nhiều lần, trong thời gian dài không bị nhắc nhở, xử lý, để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Chính vì thế, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là phải dựa vào tai mắt của nhân dân. Cùng với đó là gắn trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể quản lý cán bộ. Nếu để cán bộ sai phạm, đặc biệt là có tính hệ thống thì phải có hình thức xử lý đích đáng.
Cảm ơn ông!
Nhiều bí thư, chủ tịch bị khởi tố
Chiều 2/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến Dự án khu đô thị du lịch Đại Ninh.
Trong năm 2023, nhiều quan chức đương nhiệm hoặc đã về hưu cũng bị khởi tố, bắt giam như cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, cựu Chủ tịch An Giang Nguyễn Thanh Bình, cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, cựu Chủ tịch Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận