Văn hóa - Giải Trí

Khi gameshow truyền hình mất ngôi vương

27/02/2020, 06:35

Gameshow là con gà đẻ trứng vàng, giúp đơn vị sản xuất và các đài truyền hình kiếm bộn tiền một thời, bỗng dưng dừng một loạt chương trình.

img
“Ơn giời cậu đây rồi” mùa 6 không nhận được sự quan tâm của khán giả như những mùa trước đây

Từ “con cưng” hoá “con ghẻ”

Theo thống kê của Adsota, chi phí đầu tư vào quảng cáo số tại Việt Nam tăng từ 131,4 triệu USD lên 215 triệu USD (chiếm 18,4% tổng chi phí cho quảng cáo phương tiện truyền thông - gọi chung là Media ads) trong giai đoạn từ năm 2015 - 2017. Theo dự đoán, con số này tiếp tục tăng trưởng đều và đạt mức 323,6 triệu USD, tức 23,6% tổng chi phí cho Media ads, vào năm 2020.


Thời kỳ hoàng kim của gameshow truyền hình kéo dài từ năm 2011 - 2016, khi những format nước ngoài bắt đầu được mua bản quyền để sản xuất tại Việt Nam. Nhiều chương trình trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của nhà sản xuất như: Gương mặt thân quen; Giọng hát Việt; Vietnam’s Got Talent; Ơn giời, cậu đây rồi... từng thu được trung bình từ 5 - 12 tỷ đồng quảng cáo/tập thì nay những con số này đã giảm một nửa, thậm chí chỉ còn 1 phần 3.

Một số chương trình đến nay chỉ còn sống lay lắt như: Gương mặt thân quen; Giọng ải giọng ai; Ơn giời cậu đây rồi. Trong khi đó, Vietnam Idol; Vietnam’s Got Talent; Gương mặt thân quen nhí; Người hát tình ca và hàng loạt chương trình khác đều bị dừng sản xuất vì thiếu thí sinh lẫn giám khảo. Thậm chí, sự chuyển dịch của các gameshow truyền hình từ tìm kiếm tài năng đến các chương trình hài, âm nhạc, gia đình, khai thác góc khuất, đời tư nghệ sĩ cũng không đủ lực để lôi kéo khán giả.

Đơn cử, dù Giọng hát Việt 2019 được thay đổi format, dàn huấn luyện viên “ăn khách” như: Tuấn Ngọc, Thanh Hà, Tuấn Hưng và Hồ Hoài Anh nhưng giá quảng cáo vẫn chạm đáy kỷ lục. Theo báo giá từ VTV, ở đầu mùa, giá quảng cáo của chương trình là 200 triệu đồng cho một spot 30 giây (giảm 20 triệu đồng so với năm 2018). Đến cuối mùa, giá chỉ còn 180 triệu đồng (giảm 50 triệu đồng so với năm 2018 và 70 triệu đồng so với năm 2017). Như vậy, với 10 phút quảng cáo, nhà đài và nhà sản xuất thu về 3,6 tỷ đồng/tập quảng cáo, giảm khoảng 3 lần so với mùa đầu tiên (11 tỷ đồng). Mức giảm này được đánh giá là mạnh, xuống đáy quảng cáo khung giờ vàng cuối tuần đối với một gameshow từng xếp top đầu về doanh thu quảng cáo.

Hay, năm 2017, Vietnam’s Got Talent cũng chính thức “khai tử” sau 4 mùa. Dù trước đó, đây từng là chương trình truyền hình thực tế có rating cao nhất trên VTV3 trong 4 năm (kể từ năm 2013 trở về trước) - theo thống kê của TNS. Thời điểm mùa đầu tiên, năm 2011, nhà đài và nhà sản xuất đã “hét” giá quảng cáo khoảng 180 triệu/spot 30 giây.

Thực tế, giá quảng cáo luôn phản ánh trung thực nhất rating và độ lan tỏa của gamehshow truyền hình. Con số này chứng tỏ chương trình đó đang kém sức hút, doanh nghiệp, nhãn hàng cũng sẽ không hứng thú.

Có thể kể đến chương trình Ơn giời, cậu đây rồi, mùa đầu tiên, nhà đài và đơn vị sản xuất thu được khoảng 7 tỷ đồng/tập thì đến năm 2019 chỉ còn 4 tỷ đồng/tập cho 10 phút quảng cáo. Trong đó, rating ở mùa đầu tiên đạt cao nhất trong các gameshow truyền hình cùng thời điểm với 10,16% ở Hà Nội và 5,5% ở TP HCM. Đến năm 2018, con số này giảm còn 9,46% ở Hà Nội và 2,99% ở TP HCM. Đây là minh chứng cho quá trình sàng lọc các gameshow, khán giả bắt đầu có sự so sánh, chọn lọc những chương trình chất lượng, ý nghĩa.

“Đói” nhưng vẫn phải làm

img
Dàn huấn luyện viên Giọng hát Việt 2019

Bà Chang Trần, giảng viên thuộc chương trình của Google tại Việt Nam thừa nhận, chi phí quảng cáo truyền hình tại Việt Nam giảm đáng kể so với năm trước và đổ vào các kênh truyền thông số như Facebook, Google, YouTube. Phương thức này đang là xu thế của thế giới, với ưu điểm là tiếp cận trúng đích khách hàng mục tiêu hơn, dễ đo lường tính hiệu quả hơn.

“Chi phí cho một spot quảng cáo truyền hình dài 15 giây có thể lên đến vài tỷ đồng. Trong khi đó, nếu quảng cáo trên kênh truyền thông số lại ít hơn rất nhiều. Chẳng hạn, để có 1 MV quảng cáo đạt 1 triệu views thì bỏ ra khoảng 100-350 triệu, tùy vào cách thực hiện và thời điểm ra mắt. Ở chiều ngược lại, doanh thu quảng cáo trên truyền hình chỉ giới hạn theo từng tập. Còn trên kênh truyền thông số, lượng người xem càng nhiều thì nguồn thu quảng cáo càng tăng. Hình thức này còn thể thực hiện dưới nhiều cách, trong đó nổi bật nhất là nhãn hàng kết hợp quảng cáo trong các MV ca nhạc, webdrama… của các nghệ sĩ nổi tiếng, có lượng fan hùng hậu”, bà Chang Trần cho hay.

Tài trợ bị cắt, quảng cáo hao hụt, để tạo thêm nguồn doanh thu, từ mấy năm nay, nhiều gameshow đã phát trên kênh YouTube, nhưng nguồn thu không nhiều. Để thu hút quảng cáo và bán được quảng cáo giá cao, các đơn vị sản xuất phải chạy đua về rating, nhưng giữa thời buổi gameshow tràn lan thì rating các chương trình cũng giảm sút nghiêm trọng. Đó còn chưa kể, trong khi chi phí sản xuất gameshow mỗi năm mỗi tăng, doanh thu quảng cáo trên truyền hình lại có xu hướng ngày càng giảm.

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS thừa nhận, Việt Nam là một trong những nước chịu mua formart từ nước ngoài, thậm chí chịu chi lớn cho bản quyền. Đó là lý do khiến gameshow ngày một ồ ạt, nhanh chóng bão hoà. Đến nay, các gameshow đình đám trước đây dù hay đến mấy, rating cao cũng chỉ ở mức hòa vốn hay lãi chút đỉnh, không lỗ đã là may mắn.

“Thực tế, đây là xu thế tất yếu của thị trường giải trí. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn phải làm. Lúc này, bài toán kinh tế đặt ra là phải làm gì để giảm thiểu tối đa chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và nội dung hấp dẫn. Với thực trạng hiện nay, nếu một gameshow có nội dung tốt, mới mẻ, dàn thí sinh chất lượng… thì chắc chắn vẫn giữ chân được khán giả”, bà Bích Liên cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.