Y tế

Khi giấc mơ làm cha mẹ quá xa vời

15/06/2023, 07:13

Với một số cặp vợ chồng không may mắn, hành trình tìm người hiến trứng, tinh trùng để có cơ hội làm mẹ, làm cha gặp không ít gian nan...

Gian nan xin trứng, tinh trùng

img

Nhiều gia đình hiếm muộn có nhu cầu xin trứng, nguy cơ mua bán trái phép (Trong ảnh: Các thông tin đăng trên hội nhóm hiếm muộn)

Chị Lê Thị M. (26 tuổi, làm công nhân ở Bình Dương) cùng chồng tới khám hiếm muộn tại phòng khám của BS. Cao Hữu Thịnh (từng công tác tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM).

Chị M. bị suy buồng trứng, thực hiện biện pháp kích trứng nhưng không cho kết quả. Giải pháp có con của vợ chồng chị là đi xin trứng của người khác để thụ tinh ống nghiệm.

Hành trình xin trứng của chị M. vô cùng gian nan. Chị cho biết đã từng chia sẻ, kiếm tìm sự giúp đỡ từ những người thân, bạn bè, song chị chỉ nhận lại cái lắc đầu.

Chị M. vào các hội nhóm chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ sinh sản. Câu trả lời chị nhận được đều là cần phải gửi tiền bồi dưỡng. Tuy nhiên, chi phí bồi dưỡng vượt quá số tiền chi trả của vợ chồng chị.

“Thu nhập của hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng tiết kiệm nhiều năm mới có khoảng 100 triệu đồng, chỉ đủ chi phí làm thụ tinh nhân tạo.

Vì không có tiền, suốt gần 3 năm qua, chúng tôi vẫn kiên trì hành trình tìm người hiến trứng cho mình”, chị kể.

Cùng với chị M., rất nhiều người hiếm muộn chung cảnh ngộ khi đi xin trứng hay tinh trùng.

Câu chuyện của chị Nguyễn Ngọc H. (31 tuổi, trú tại Hà Nội) là điển hình. Chồng chị không có tinh trùng, bác sĩ tư vấn cần phải xin tinh trùng gửi mẫu vào ngân hàng tinh trùng.

Hai vợ chồng chị H. về nhà vận động người thân hiến mẫu để thực hiện 1 đổi 1. Nhưng có gia đình, vận động được người chồng đồng ý hiến nhưng người vợ không đồng ý, khiến chị phải bỏ cuộc.

Qua hội nhóm trên mạng, chị H. tìm được một người hiến. Lần khám thứ nhất họ đồng ý kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tinh dịch đồ.

Nhưng tới lần kiểm tra sau họ đã không tới. Khi chị liên hệ chỉ nhận được câu trả lời “đang suy nghĩ lại”.

BS. Cao Hữu Thịnh cho biết, trên thực tế nhu cầu xin tinh trùng và trứng rất lớn nhưng ít người hiến, nhất là hiến trứng.

Bởi chu trình lâu dài, phải tiêm thuốc kích trứng rất gian nan. BS. Thịnh cũng gặp nhiều chị em vô sinh hiếm muộn phải xin trứng, sau một thời gian họ không tìm được người hiến nên chần chừ việc sinh con.

Trong khi đó, cơ hội mang thai nhờ hỗ trợ sinh sản tuổi càng thấp tỷ lệ thành công càng cao.

Nguy cơ mua bán trái phép

GS. Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam chiếm từ 7 - 10% các cặp vợ chồng.

Trong đó, tỷ lệ người phải xin tinh trùng hoặc trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm không nhỏ, trong khi ngân hàng trứng không có, ngân hàng tinh trùng cũng không dồi dào.

Người nhận tinh trùng thường phải đổi lại một mẫu khác vào ngân hàng rồi chọn một mẫu ẩn danh để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Về lý thuyết, xin tinh trùng dễ hơn nhưng không phải ai cũng đồng ý cho. Còn với hiến trứng, càng khó để vận động. GS. Tiến từng gặp người hiếm muộn xin được nguồn hiến trứng.

Người hiến vào bệnh viện đã tiêm kích trứng 2 lần nhưng tới lần thứ 3 thì họ khóa máy. Lúc này, họ tìm tới bác sĩ chia sẻ vì không vận động được người hiến nên đã tìm mua bán trên mạng, đã đưa hết tiền như thỏa thuận.

“Nhìn người bệnh chúng tôi rất thương nhưng không giúp gì được. Người ta khát con quá, mà cơ hội đi xin hay được tặng dường như bằng 0 nên họ đành tìm tới các nguồn bất hợp pháp”, GS. Tiến nói.

Về phía các trung tâm hỗ trợ sinh sản, theo ông Tiến, rất khó sàng lọc được giữa hiến trứng và mua bán.

Người bệnh đưa tới và giới thiệu người thân hiến trứng nên bác sĩ cho kiểm tra các chỉ số và theo dõi tiêm kích trứng như các trường hợp thông thường.

Nếu sự việc êm xuôi, cuộc mua bán sẽ thành công. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng tỷ lệ này rất ít.

Theo ông Tiến, những cặp vợ chồng được bác sĩ tư vấn cần phải xin trứng hay tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm hết sức thận trọng.

Cách tốt nhất hiện nay vẫn là vận động người thân để trao tặng nguồn trứng, tinh trùng vào ngân hàng và tráo mẫu.

Trước phản ánh xuất hiện tình trạng mua bán trứng, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế cho biết, đơn vị đã nhiều lần có văn bản chấn chỉnh gửi các Sở Y tế và các đơn vị hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc.

Trong đó, Vụ đề nghị các địa phương cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về hỗ trợ sinh sản.

Rà soát, xây dựng bổ sung quy trình chống nhầm lẫn đối với tất cả các trường hợp cần phải nhận diện bệnh nhân để kiểm soát việc nhầm lẫn hoặc tráo đổi bệnh nhân, tinh trùng, noãn, phôi.

Trong đó, đặc biệt lưu ý các quy trình lấy mẫu tinh dịch, chọc hút noãn, chuyển phôi, vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng/noãn/phôi giữa các bệnh viện, mang thai hộ và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.