Chuyện dọc đường

Khi “mạch máu”… tắc

27/03/2017, 08:11

Giao thông nói riêng, đặc biệt là giao thông đô thị liên quan mật thiết tới cuộc sống của mỗi người dân.

2

Rất nhiều hộ kinh doanh mặt phố nghiễm nhiên coi vỉa hè là của nhà mình và mặc sức lấn chiếm (Trong ảnh: Vỉa hè phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thời điểm trước khi Hà Nội ra quân dẹp lấn chiếm vỉa hè) - Ảnh: K.Linh

Nhưng thật đáng buồn tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM, hễ ra khỏi nhà là thấy cảnh ùn tắc liên miên. Sáng sớm tinh sương, khi mỗi người cần sự tỉnh táo, tươi mới nhất để bước vào một ngày làm việc, lao động, học tập hiệu quả, nhưng bước ra đường nhìn đâu cũng mênh mông người, xe ken đặc. Dù đi ô tô, xe máy hay xe buýt công cộng cũng không thoát cảnh chôn chân hoặc len, lách nhích từng bước dưới cái nắng nóng cháy da thịt hoặc cái lạnh thấu xương và mùi khói xe khét lẹt. Những người chọn cách đi bộ cũng đâu dễ yên thân bởi vỉa hè bị lấn chiếm, đi dưới lòng đường bị xe máy, ô tô đe dọa sự an toàn. Hệ quả của việc ùn tắc là những khuôn mặt phờ phạc, thất thần, uể oải khi đến các cơ quan, công sở, trường học, chẳng còn đâu tâm trí lao động, sáng tạo, học tập.

Chiều, tối về cũng chẳng khấm khá hơn. Sau một ngày vất vả làm việc, mọi người mong mỏi được nhanh chóng về nhà nghỉ ngơi, lấy lại sức lực, nhưng một lần nữa họ lại bị tra tấn bởi những biển người, xe. Có thể nói, nỗi lo ùn tắc luôn thường trực, ám ảnh các cư dân đô thị chẳng kém chuyện cơm áo gạo tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Con người có hạnh phúc không, vui vẻ không, phần nào khởi nguồn từ chính giao thông đô thị. Nó tác động không chỉ trực tiếp đến tâm trạng con người mà cả nền kinh tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Và sự đình trệ của giao thông đô thị hiện nay đã và đang thực sự ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và nền kinh tế.

Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải phải thốt lên: “Hà Nội nhìn thấy thảm họa tiến dần về phía mình mà không biết làm cách nào”. Còn Bí thư TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng: “Trong các bức xúc của người dân thì ùn tắc giao thông là số 1. Hàng triệu người đang hàng ngày phải gánh chịu”.

Tất cả những điều đó cho thấy, chúng ta phải cấp thiết hành động để ngăn chặn thảm họa giao thông đô thị và cải thiện cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, để lập lại được trật tự đô thị, khó có thể một sớm, một chiều và cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người, từ các cơ quan chức năng đến những người dân bình thường. Mỗi người cần bắt đầu bằng những nỗ lực, hành động dù nhỏ nhất. Đó có thể chỉ là việc tham gia giao thông đúng luật, có văn hóa. Còn với các cơ quan chức năng, ngoài việc quyết liệt thực hiện các giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, điều quan trọng hơn là ngay từ thời điểm này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch, triển khai bài bản và có tầm nhìn dài hơi tại những nơi có thể, nhất là tại những tuyến đường chuẩn bị đầu tư, khu đô thị mới sắp xây dựng - tránh tình trạng nay làm, mai đã bất cập, rồi để con cháu chúng ta phải gánh chịu hậu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.