Những ngày qua, trên 2.000 người dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) thuộc diện các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo đã tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ để nhường cho những người khó khăn hơn...
Nghĩa cử cao đẹp ấy, một lần nữa nêu cao tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, một quyết tâm “đồng cam cộng khổ”, cùng nhau chia sẻ với cộng đồng, với Chính phủ để quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Hàng nghìn người dân nằm trong danh sách nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng ấy đều là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí rất khó khăn. Họ cũng đang chật vật kiếm sống, đã và đang “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để lo đủ cái ăn, cái mặc từng ngày. Do đó, khoản tiền hỗ trợ có thể không lớn đối với nhiều người, nhưng đối với họ, chắc chắn là rất quý.
Nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, có lẽ vì hiểu rõ giá trị đồng tiền, hiểu rõ sự khổ sở khi thiếu thốn, nên họ đã tự nguyện từ chối quyền lợi mà mình được hưởng, để nhường cho những hoàn cảnh sống đang khó khăn hơn. Và nhìn rộng hơn, những người dân nghèo chân chất ấy đang thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, của Chính phủ khi trong thời gian dài nỗ lực chống dịch, vừa chăm lo cho sức khỏe, vừa chăm lo cho đời sống người dân.
Cùng với những lực lượng xung kích như quân đội, y bác sỹ, công an, những cán bộ công nhân viên hàng không... đã và đang dốc sức trên tuyến đầu chống dịch, thời gian qua, đã chứng kiến không ít những câu chuyện cảm động về sự chung sức, đồng lòng của người dân trước khó khăn chung của đất nước.
Có những em học sinh đập lợn tiết kiệm ủng hộ quỹ phòng chống dịch, có những Mẹ Việt Nam hơn 90 tuổi vẫn miệt mài may khẩu trang tặng người nghèo, những cây ATM gạo, ATM thực phẩm... được các cá nhân, doanh nghiệp phát miễn phí cho người dân...
Rồi từ những tấm lòng của kiều bào ta ở nước ngoài, kể cả những nước ở thời điểm đang là tâm dịch như: Hàn Quốc, Mỹ, Anh… cũng hướng về nước, chung với nỗi lo của đất nước, hỗ trợ và san sẻ từ vật chất đến tinh thần khi đất nước gặp khó khăn. Và giờ đây, những người dân nghèo Thanh Hoá nhưng giàu tình nghĩa đã góp thêm một điểm sáng vào bức tranh đầy tình người và quyết tâm trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh.
Những điều cảm động và ấm áp ấy là sự đối lập với những hành động phản cảm, trục lợi, tham nhũng vẫn còn tồn tại, thậm chí lợi dụng dịch bệnh để “ăn tiền” như vụ trục lợi mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch. Bởi còn gì xấu xa hơn, khi những người nghèo, thậm chí nghèo đến nỗi không có một bữa cơm đủ no lại nhường sự hỗ trợ cho người khác, trong khi nhiều người có chức, có quyền lại dễ dàng sa ngã vì tiền?
Từ chối nhận hỗ trợ, những người dân nghèo hẳn đang rất thanh thản và hạnh phúc hơn với ý nghĩ “việc làm này đem lại điều tốt cho đất nước và cho địa phương”. Họ cũng như đa phần con dân đất Việt, luôn tiềm ẩn trong sâu thẳm ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước, sẵn sàng chia sẻ, đóng góp mỗi khi Tổ quốc cần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận