Cảnh trong phim “Người phán xử” |
Thông tin hai bộ phim truyền hình “nóng” nhất hiện nay là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” được quay thêm tập cuối khiến khán giả háo hức. Đây là lần đầu tiên trong làng phim Việt, nhà sản xuất đã quay lại cái kết sau khi “đo” phản ứng của khán giả. Sự tương tác kịp thời của nhà sản xuất khiến khán giả thích thú và cảm thấy mình được chiều chuộng, quan tâm.
Và cuộc thử nghiệm này của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) được nhiều người hy vọng sẽ trở thành bước chuyển mới của phim truyền hình Việt. Bởi, ở nhiều quốc gia có phim truyền hình phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản… các nhà sản xuất thường sản xuất phim theo kiểu “cuốn chiếu”, làm tới đâu phát sóng tới đó. Điều này giúp các đơn vị sản xuất đo lường được sự quan tâm của khán giả để có thể có những tương tác nhất định khiến bộ phim hấp dẫn hơn. Chưa kể, nếu phim không được quan tâm, chỉ số rating thấp thì có thể rút ngắn tập để đỡ tốn kém chi phí.
Có thể nói, trong thời kỳ mạng xã hội và internet phát triển như hiện nay, việc xem xét phản ứng của khán giả không quá khó. Đây cũng là kênh thông tin giúp các nhà sản xuất nắm bắt được tâm lý và nhu cầu thưởng thức của đông đảo khán giả, để họ có thể xoay chuyển sao cho hợp lý với nhu cầu của số đông, tăng sự cuốn hút và chiều theo thị hiếu.
Theo biên kịch Nguyễn Trung Dũng, việc tương tác là một cách làm hiện đại và mang tính kịp thời, khơi gợi sự hứng thú cho khán giả. Anh nhìn nhận chính thành công của bộ phim đã tạo ra hình thức tương tác này. Khán giả quan tâm nhiều thì việc thay đổi theo những ý kiến đa chiều của khán giả giúp nhà sản xuất thêm những nhấn nhá để tăng tính hấp dẫn. Vì thế, không nhất định phim nào cũng nên theo lối này vì còn phải tính đến chi phí sản xuất phát sinh.
Điều này không phải không có lý, bởi với kinh phí khoảng hơn 100 triệu/tập phim như nhiều phim truyền hình Việt hiện nay, việc này có lẽ sẽ khó thực hiện. Không ít đạo diễn trong nghề từng tâm sự, các nhà sản xuất luôn muốn cố gắng hạn chế sự tốn kém càng nhiều càng tốt.
“Điện ảnh Hàn Quốc có dòng phim truyền hình vừa sản xuất, vừa phát cuốn chiếu với kịch bản linh động chỉnh sửa theo phản hồi của người xem. Có điều theo tôi, có “chiều” khán giả cũng chỉ “chiều” theo kiểu tình huống, vì mỗi bộ phim trước khi đưa vào sản xuất đã phải cân nhắc rất kỹ đường dây tuyến truyện, phải có kịch bản chặt chẽ từ A-Z ngay từ đầu. Nếu thay đổi lớn sẽ phá vỡ kết cấu, đứt đường dây kịch bản và làm hỏng cả tác phẩm. Còn những tương tác với khán giả có chăng chỉ là vi chỉnh. Nhà sản xuất chấp nhận thay đổi nhiều tình tiết nhỏ sao cho phù hợp với tâm lý tình cảm của khán giả. Dĩ nhiên, không loại trừ trường hợp họ “lật ngược” cả cái kết phim nếu thấy cần thiết. Bởi thực tế, luôn có rất nhiều cách để kết thúc một câu truyện”, biên kịch Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận