Cầu nối giữa CLB và người hâm mộ
Thời gian gần đây, người hâm mộ SLNA vẫn quen với hình ảnh Trưởng phòng Truyền thông SLNA Trần Văn Trung đi khắp 4 phía khán đài sân Vinh sau mỗi trận đấu.
Đặc biệt, anh còn mang theo chiếc loa cầm tay nhằm hô hào, thậm chí bắt nhịp để người hâm mộ cùng hát vang cổ vũ cho đội bóng xứ Nghệ. Hình ảnh thú vị này cũng đại diện cho một SLNA mới mẻ, giàu khát khao.
Anh Trần Văn Trung tham gia khóa tập huấn về xây dựng bóng đá chuyên nghiệp do VFF tổ chức
Anh Trung vốn là một phóng viên theo dõi thể thao của báo Nghệ An. Thời điểm anh nhận nhiệm vụ cũng là lúc SLNA bắt đầu bước vào công cuộc tái thiết cùng nhà tài trợ mới, một bộ máy hoàn toàn mới.
“Mọi thứ gần như phải gây dựng lại từ đầu. Từ việc thay đổi bộ nhận diện, xây dựng lại hệ thống các kênh truyền thông, kết nối với các đơn vị báo chí, tuyển dụng và đào tạo nhân sự, mua sắm trang thiết bị, kêu gọi nhà tài trợ, kết nối lại với các Hội CĐV, xây dựng hệ thống phần mềm bán vé, cửa hàng trực tuyến, làm việc với đối tác về trang phục…”.
Cũng theo Trưởng phòng Truyền thông SLNA, hiện tại mọi thứ đã dần đi vào nền nếp nhưng anh không được phép bằng lòng. “SLNA có truyền thống hào hùng, điều này vô hình trung tạo ra sức ép rất lớn với những người đi sau.
Bên cạnh đó, tình yêu của người hâm mộ xứ Nghệ là vô cùng mãnh liệt nên việc làm truyền thông cũng yêu cầu khéo léo, tỉ mỉ để giúp mọi người hiểu và ủng hộ hướng đi mới của đội bóng”, anh chia sẻ.
Đại úy Trần Hương Trà đang dần quen với công việc làm truyền thông cho đội bóng
Giống như Trần Văn Trung, nữ cán bộ truyền thông của CLB Công an Hà Nội (CAHN) - Đại úy Trần Hương Trà cũng xuất thân từ phóng viên.
Cô vốn là BTV của kênh truyền hình ANTĐ, khi đội bóng CAHN (tiền thân là Công an nhân dân) giành quyền thăng hạng V-League, cô được điều chuyển sang hỗ trợ CAHN xây dựng hình ảnh cho sân chơi chuyên nghiệp.
Cô cho hay, những ngày đầu khối lượng công việc rất đồ sộ bởi mọi thứ đều như mới. Bản thân cô tuy đã có thời gian công tác trong lĩnh vực báo chí gần 7 năm nhưng truyền thông bóng đá khác với các vấn đề an ninh trật tự, đối tượng tiếp cận cũng không giống nhau. Bởi vậy, cô phải vừa làm vừa học để hoàn thành nhiệm vụ.
Đại úy Trà chia sẻ thêm, ngoài việc là đầu mối kết nối báo chí tác nghiệp về CLB và cầu thủ, cô còn xây dựng, hỗ trợ, kiểm soát các nội dung liên quan tới CLB, chủ trì hoặc làm MC một số nội dụng truyền thông trên các nền tảng mảng xã hội.
“Cái khó lớn nhất là phải truyền tải được chính xác nhất, chân thật nhất tinh thần của CLB tới người hâm mộ. CAHN tuy là một đội bóng mới nhưng đã từng là một tượng đài nên truyền thông cũng cần hướng tới niềm tự hào trong quá khứ. Làm sao để kết hợp các chất liệu mới lẫn cũ thành sản phẩm hay luôn khiến tôi phải suy nghĩ”, Đại úy Trà bày tỏ.
Khác với hai nhân vật trên, anh Đào Việt Anh (nguyên BTV Truyền hình K+), cán bộ truyền thông CLB Hà Nội được thừa hưởng một nền tảng truyền thông vững chắc từ người tiền nhiệm khi tiếp quản công việc ở sân Hàng Đẫy hồi năm 2010. Nhưng như vậy không đồng nghĩa anh không phải đối diện với những áp lực.
“Ở CLB Hà Nội, chúng tôi vẫn nói vui rằng không vô địch là thất bại. Nhưng ngoài chuyên môn, mọi hoạt động của đội đều được đặt dưới tiêu chuẩn rất cao, thật chuyên nghiệp, bao gồm cả khâu truyền thông. Cũng chính bởi vậy, đội ngũ truyền thông của đội liên tục phải tìm tòi, học hỏi những cách làm mới, công nghệ mới.
Riêng nhóm truyền thông hàng ngày đều phải họp 2 lần vào sáng và cuối giờ chiều. Buổi họp sáng là để lên kế hoạch tổ chức sản xuất các ấn phẩm đủ loại hình từ bài viết, video, banner, buổi họp chiều là để nghiệm thu và rút kinh nghiệm. Còn với những chương trình lớn, đội truyền thông phải làm việc thâu đêm trong nhiều ngày”.
Làm vì đam mê
Anh Đào Việt Anh cùng chiếc cúp vô địch của Hà Nội FC tại giải Tứ hùng 2022 tổ chức ở Hải Phòng
Điểm chung của anh Trần Văn Trung, Đào Việt Anh hay Đại úy Trần Hương Trà là đều làm việc trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp nhiều thách thức và áp lực. Tuy nhiên, cả ba đều khẳng định hạnh phúc với công việc hiện tại, dù khó khăn chồng chất.
“Không chỉ riêng tôi gặp khó khăn, lãnh đạo đội bóng cũng vậy, mọi thứ quá mới mẻ. Nhưng dù áp lực, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc”, Đại úy Trà bộc bạch.
Ngoài ra, nữ cán bộ CAHN cũng thừa nhận, mình có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi tham gia vào đời sống bóng đá: “Sau khi thấy sản phẩm truyền thông của CLB tạo hiệu ứng tốt trên các nền tảng mạng xã hội, khơi dậy niềm tin yêu của những CĐV trung thành đã yêu cái tên CAHN trong gần 2 thập kỷ, và sự cổ động nhiệt thành từ những CĐV nhí cùng gia đình 2, 3 thế hệ cổ vũ các trận bóng tại SVĐ Hàng Đẫy, tôi cảm thấy thực sự tự hào khi đã đóng góp đc phần công sức nhỏ bé vào thành công này”.
Trong khi đó, anh Đào Việt Anh quả quyết, Hà Nội FC không chỉ là công việc mà còn là gia đình thứ 2 của mình: “Năm 15 tuổi tôi đã có cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khoác áo Hà Nội FC nhưng bố mẹ khi đó muốn tôi theo con đường học hành. Giờ đây, tôi là một phần của đội bóng, ở vị trí khác, góp sức mình để Hà Nội FC ngày một chuyên nghiệp”.
Làm truyền thông, nhất là truyền thông cho đội bóng luôn phải đánh đổi nhiều thứ. Việt Anh cho biết, anh gần như không có thời gian dành cho gia đình, cho cuộc sống cá nhân.
Cũng xuất phát từ tình yêu, anh Trần Văn Trung không chút ngần ngại khi nhận lời đề nghị song hành cùng SLNA: “Như bao người dân xứ Nghệ, tôi yêu đội bóng quê hương như máu thịt. Thế nên, khi có cơ hội trở thành một phần của SLNA, tôi gần như không mất một giây nào để suy nghĩ.
Niềm vui lớn nhất của tôi chính là những lúc đội nhà giành chiến thắng và những khán đài đầy ắp khán giả, sôi sục với những tiếng hô vang Sông Lam”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận