Đây là điều vô cùng lạ lẫm với ngay cả thế giới, nhưng lại được thực hiện tại Việt Nam.
Đấu giá tác phẩm âm nhạc đương đại
Mua bán bản quyền thương mại âm nhạc vốn không phải điều xa lạ trong giới âm nhạc và vẫn diễn ra từ xưa tới nay, nhưng để đưa lên sàn đấu giá lại chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Tới đây, Nhà đấu giá Chọn sẽ lần đầu đưa bản quyền khai thác thương mại âm nhạc lên sàn đấu giá và dự kiến phiên đấu giá đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 4/2020. Theo đó, sẽ có một tác phẩm âm nhạc được chọn lựa để làm vật đấu giá và ai thắng cuộc tại phiên đấu giá có thể giành được quyền khai thác thương mại, bản quyền của tác phẩm đó.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Nhà đấu giá Chọn, đây là hướng đi phù hợp với xu hướng chung của thế giới nhằm thúc đẩy thị trường âm nhạc, đặc biệt ở vấn đề bản quyền. Nói rõ hơn về dự án này, ông Tuấn Anh phân tích, quá trình đấu giá sẽ diễn ra tương tự đấu giá các mặt hàng khác như tranh ảnh, đồ vật…
Cụ thể, nhà đấu giá sẽ đi tìm tác phẩm, đặt vấn đề với các tác giả và đề nghị đưa tác phẩm lên sàn đấu giá. Trước phiên đấu khoảng vài tuần, nhà đấu giá sẽ công khai các tác phẩm và các quyền khai thác thương mại, bản quyền tác phẩm để những ai quan tâm có thời gian nghe và tìm hiểu về tác phẩm.
Người tham gia đấu giá có thể là ca sĩ, giới âm nhạc hoặc bất cứ ai. Khi diễn ra phiên đấu, BTC sẽ mời nhạc sĩ có tác phẩm đưa ra đấu giá đến chia sẻ về bài hát, cam kết bằng văn bản rằng bài hát là do mình sáng tác và có đủ các quyền đối với “đứa con tinh thần” của mình. Sau đó những người trong phiên đấu sẽ được nghe bản thu âm tác phẩm để cảm nhận.
Giám đốc điều hành Nhà đấu giá Chọn thừa nhận, hiện nay, việc tranh chấp bản quyền âm nhạc xảy ra khá thường xuyên. Do đó, việc đưa tác phẩm lên đấu giá sẽ làm công khai và minh bạch hóa tác phẩm. Từ đó sẽ góp phần làm gia tăng tính minh bạch và thúc đẩy vấn đề bản quyền trong thị trường âm nhạc.
Cũng theo ông Tuấn Anh, nhà đấu giá có những tiêu chí riêng trong việc chọn lựa một tác phẩm âm nhạc để đưa lên sàn đấu. Có thể một bài hát đã cũ và nổi tiếng, cũng có thể có những bài hát mới hoàn toàn và đưa ra đấu để người khác có cơ hội sở hữu quyền khai thác thương mại. Nhưng tiêu chí quan trọng nhất là phải là một tác phẩm giá trị. “Giá trị là gì thì chúng tôi phải cân nhắc, thậm chí có cả tính viral. Đương nhiên, chúng tôi cố gắng đưa ra một tác phẩm giá trị về nghệ thuật và nội dung”, ông khẳng định.
Đấu giá không khác mua bản quyền
Chia sẻ về những rắc rối có thể xảy ra khi đưa bản quyền một tác phẩm âm nhạc lên sàn đấu giá, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Nhà đấu giá Chọn khẳng định, chủ yếu là vấn đề xác minh bản quyền. Tuy nhiên, những tác giả của các tác phẩm âm nhạc mà Chọn làm việc cùng đều là các tác giả đương đại, nên việc xác minh bản quyền không quá khó. Dù vậy, nhà đấu giá này vẫn cố gắng để tránh không có sự tranh chấp tác quyền bằng việc có hội đồng thẩm định là những chuyên gia, nhạc sĩ nổi tiếng trong giới âm nhạc, có những chuyên gia tư vấn trong vấn đề bản quyền âm nhạc hỗ trợ.
Giám đốc Nhà đấu giá Chọn tự tin rằng, các phiên đấu giá chắc chắn sẽ thành công bởi từ trước tới nay, việc giao dịch bản quyền bài hát đã có nhưng về cơ bản, các nhạc sĩ khi viết nhạc đã có người đặt mua trước nên các tác phẩm ấy ít có cơ hội đến tay người khác. Khi đưa tác phẩm ra đấu giá, không chỉ có giới âm nhạc mới có thể mua bài hát mà bất cứ ai cũng có thể sở hữu nếu thấy có thể gia tăng lợi nhuận trong tương lai. Sau khi đấu giá thành công, họ vẫn có thể đấu giá ở một phiên khác và chuyển quyền sở hữu khai thác thương mại cho một người khác. “Đó là thứ hàng hóa có thể giao dịch”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vì đấu giá bản quyền khai thác thương mại tác phẩm âm nhạc chưa từng có ở Việt Nam nên nhiều nhạc sĩ tỏ ra khá lạ lẫm. Bởi khác với các mặt hàng như tranh ảnh, đồ trang sức, đồ vật… tác phẩm âm nhạc hay bản quyền khai thác tác phẩm âm nhạc là một hàng hóa phi vật thể. Nhạc sĩ Minh Châu cho rằng, nếu tranh ảnh hay các thứ đấu giá khác là vật có thể cầm nắm thì âm nhạc thuộc về tinh thần, có quyền nhân thân và quyền tác giả. Chỉ có thể đấu giá quyền tác giả (quyền khai thác của một bài hát để làm nhạc chuông, nhạc chờ…) chứ quyền nhân thân vẫn phải đảm bảo và điều này sẽ tương đối phức tạp nếu thực sự dự án này được tiến hành.
Chưa kể, đấu giá sẽ khiến tác phẩm hoàn toàn bị chìm vào tính thương mại. Theo nhạc sĩ Minh Châu, có thể có những nhạc sĩ muốn khuếch trương giá trị thương mại bài hát của mình và sẵn sàng mang bài hát ra đấu giá (giống như bán độc quyền) dù biết người khác mua về chỉ để “nhốt trong ngăn kéo”. “Với tôi, quan trọng nhất là bản thân có cảm hứng và viết ra được một tác phẩm cảm xúc nên từ trước nay tôi chưa từng viết độc quyền cho bất cứ ai”, nhạc sĩ Minh Châu chia sẻ.
Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Khắc Linh tỏ ra ngạc nhiên vì chưa từng nghe tới câu chuyện này từ trước tới nay, ngay cả ở nước ngoài. Tuy nhiên, anh tin việc đấu giá này hoàn toàn có thể vì việc mua bán bản quyền bài hát từ trước tới nay vẫn xảy ra, chỉ khác là không đưa ra đấu giá.
Dù vậy, nam nhạc sĩ khẳng định bản thân anh sẽ không bao giờ đưa bài hát của mình ra đấu giá cho bất cứ ai, kể cả ca sĩ hay một người bất kỳ. Bởi, khi viết một bài hát bất kỳ, anh thường nhắm tới một giọng hát riêng. “Đa số nhạc sĩ đều muốn tìm người xứng đáng với tác phẩm của mình. Đôi lúc, tiền không quan trọng bằng một người thực sự phù hợp với tác phẩm, để tác phẩm có thể chắp cánh bay xa. Còn trường hợp ai đó đang cần tiền mà có một bài hát hay, không quan trọng ai mua nó về khai thác thì có thể đem đấu giá cũng là một cách, nhưng kiểu này mang tính thương mại quá”, nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận