Chuyến xe đầu kéo này chở quá tải hơn 20 tấn gỗ, trót lọt suốt chặng đường gần 300 km, nhưng bị lực lượng liên ngành Đà Nẵng kịp thời “giăng lưới” trước khi về bến đỗ.
Hư hại cầu đường, thiếu ATGT, phương tiện xuống cấp… là thực trạng nhãn tiền cho một thời “bỏ lọt” các tập đoàn xe quá tải nghênh ngang khắp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Nhưng từ khi cả hệ thống chính trị chung tay lập lại trật tự vận tải với những chỉ lệnh quyết liệt từ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, đến nay xe quá tải không còn ngang nhiên tung hoành như trước.
Không thể phủ nhận những giải pháp mạnh này đang tạo hiệu ứng tốt, lập lại trật tự trong hoạt động vận tải, vốn tồn tại nhiều tai tiếng. Tất cả vì mục đích chung là kéo giảm TNGT, bảo vệ cầu, đường, chất lượng công trình. Nhưng vẫn còn đây đó những tiêu cực như nạn “xe vua”, “bảo kê”, buông lỏng xe quá tải ở các địa phương. Vụ việc cán bộ TTGT Khánh Hòa bị chém bất thường, hay vụ Đội trưởng Đội TTGT Đắk Nông nhảy lầu tự tử và tiếp sau đó là ông Phó Chánh thanh tra Sở GTVT bị bắt giam với cáo buộc nhận tiền “lót tay” để xe tải lọt trạm cân… thời gian qua là góc khuất cần làm sáng tỏ khi dẹp nạn xe quá tải.
Nếu làm nghiêm, không chỉ tài xế trên mà rất nhiều tài xế khác sẽ phải bật khóc. Bởi áp lực phạt xe quá tải quá lớn. Mỗi chuyến xe quá tải, tài xế và doanh nghiệp có thể bị phạt đến 12 triệu đồng, tước GPLX hai tháng, tạm giữ xe… Đây có thể là nước mắt của sự bất lực. Bởi sau bao nỗ lực, sau đủ chiêu trò đối phó, cánh tài xế không thể “được ăn cả”. Nhưng đó cũng là nước mắt của sự bế tắc. Bởi, họ thấy mình thiệt thòi vì đâu đó vẫn có những đoàn xe quá tải ung dung lọt trạm về tới bến bởi một thế lực “vô hình”.
Đi tiếp, hay dừng lại? Chở đúng tải hay tiếp tục đeo đuổi con đường quá tải là trăn trở của không ít tài xế xe tải. Vì trên thực tế, họ vẫn đang bị cuốn theo vòng xoay của giá cước, của cuộc cạnh tranh vận chuyển hàng hóa thiếu lành mạnh, của những vấn nạn tiêu cực vẫn ngang nhiên tồn tại.
Xuân Huy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận