Tuy nhiên, mô hình đầu tư theo “trend” (xu hướng) này có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu rơi vào bão hòa như chuỗi trà sữa, mỳ cay, cộng thêm khó khăn chung do dịch Covid-19.
Phiên bản nâng cấp của “trà đá vỉa hè”
Theo ghi nhận trên thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước hiện có khoảng 15 chuỗi thương hiệu trà chanh đang hoạt động. Trong đó “top 5” chuỗi lớn nhất gồm: Trà Chanh Bụi Phố (hơn 400 cơ sở), Tmore (170 cơ sở), Layla (hơn 150 cơ sở), Chill (hơn 100 cơ sở), Tiệm trà chanh 1975 (khoảng 60 cơ sở)...
Tại tiệm trà chanh Layla trên đường Vân Hồ 2 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong một buổi chiều tháng 2, bạn Nguyễn Thuỳ Trang (quận Đống Đa) hào hứng check-in cùng hội bạn bên cốc trà chanh đào và những bức tranh bích hoạ 3D rực rỡ sắc màu.
Theo Trang, điều lôi cuốn của thứ đồ uống này là ở hương vị mới lạ so với những cốc trà chanh được pha chế theo cách truyền thống trước đây. “Giá cả đồ uống khá hợp lý, chỉ từ 12-15 nghìn đồng/cốc, phù hợp với túi tiền của những học sinh như em. Chỗ ngồi cũng lịch sự hơn uống trà đá vỉa hè, không gian rộng rãi, thoáng mát, nhiều tiện lợi, có thể cắm sạc điện thoại, laptop lại còn sử dụng wifi miễn phí…”, Trang lý giải.
Anh Nguyễn Vũ Quang Anh, đại diện chuỗi Tiệm chà tranh Layla cho biết, đây chỉ là một trong hơn 150 cửa hàng được thương hiệu gây dựng chỉ trong nửa năm qua. “Với đam mê kinh doanh và nhận thấy tiềm năng đang mở rộng của lĩnh vực F&B (ngành thực phẩm và đồ uống), nhóm sáng lập đã ấp ủ ý tưởng về đồ uống có mức giá dễ chịu, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Theo quan sát của chúng tôi, giới trẻ ở miền Bắc thích gặp gỡ, “chém gió” trong một không gian mở, gần gũi hơn là trong phòng điều hoà ngột ngạt. Họ thích được phục vụ đồ uống mà không phải suy nghĩ về giá cả. Từ đó, “phiên bản nâng cấp” của trà đá vỉa hè đã ra đời”, anh Quang Anh chia sẻ.
Sau những nghiên cứu kỹ lưỡng trong bối cảnh thị trường đã xuất hiện một số thương hiệu trà chanh khác, cái tên Layla chính thức “trình làng” vào mùa hè năm 2019 tại Văn Quán (Hà Đông).
Cũng xuất phát từ tiềm năng của mô hình kinh doanh này, anh Chu Quang Dũng, chủ chuỗi cửa hàng Chill - Tiệm trà chanh cho biết, nếu như trước kia, trà chanh là thức uống đường phố truyền thống và chỉ có một loại duy nhất thì nay đã có nhiều biến tấu về hương vị và cách trình bày. Khi nhìn vào menu có thể thấy những cái tên mới mẻ như: Trà chanh đào nhiệt đới, trà kim quất nha đam, trà ổi… kết hợp với nhiều đồ ăn vặt như xúc xích, khoai tây chiên, nem chua rán… phù hợp với “gu ẩm thực” ngon, bổ, rẻ của giới trẻ.
Vốn đầu tư thấp, tỷ suất lợi nhuận cao
Dịch Covid-19: Lửa thử mô hình kinh doanh mới
Không nằm ngoài khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh số của Layla sụt giảm tới 70%. Mặc dù toàn hệ thống vẫn chưa cơ sở nào phải đóng cửa nhưng nhiều chủ cửa hàng đã lựa chọn giải pháp hạn chế phát triển kinh doanh, cắt giảm nhân sự, chỉ mở cửa đón khách vào buổi tối… “Thời điểm này, chúng tôi vẫn luôn đồng hành cùng các cơ sở như không thu phí quản lý vận hành hoặc chỉ thu trên danh nghĩa. Cơ sở nào kinh doanh không hiệu quả có thể tạm dừng 1-2 tháng để đợi dịch bệnh đi qua nhằm tránh thiệt hại”, anh Quang Anh thông tin.
Tương tự, doanh thu của chuỗi Chill - Tiệm trà chanh với hơn 100 cửa hàng giảm đi một nửa. Thậm chí, một số cơ sở đã buộc phải tạm đóng cửa để hạn chế thiệt hại. “Mục tiêu cốt lõi sắp tới của chuỗi vẫn là đảm bảo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cập nhật đồ uống theo nhu cầu thị trường và truyền thông thương hiệu… Cũng giống như trào lưu trà sữa trước đây, tôi tin rằng thương hiệu trà chanh nào nếu trải qua những giai đoạn khó khăn vẫn sẽ tồn tại và phát triển bền vững”, anh Quang Dũng nhận định.
Theo vị đại diện của Layla, khác với mô hình kinh doanh trà sữa, cà phê tiêu tốn số tiền không nhỏ để đầu tư thì khởi nghiệp với quán trà chanh chỉ mất khoảng 300 triệu đồng là có thể vận hành. Số vốn này đã bao gồm tiền thuê mặt bằng, nhân viên, thiết kế quán, truyền thông quảng cáo… Thời điểm ra mắt cửa hàng đầu tiên của Layla được đánh giá là đúng vụ và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng nên doanh thu thời điểm đó đạt tới 30 triệu đồng/ngày. Với tỷ suất lợi nhuận cao từ 30-45%, quán đã nhanh chóng thu hồi vốn chỉ trong vòng 3-5 tháng.
“Dĩ nhiên, kinh doanh mặt hàng nào cũng sẽ có mùa cao điểm và thấp điểm. Vào mùa hè, mỗi cơ sở có thể đạt doanh số 10-15 triệu/ngày nhưng trong 2-3 tháng mùa đông ở miền Bắc, doanh số sẽ thấp hơn, chỉ còn 2-3 triệu/ngày. Đây cũng là điều mà chúng tôi đã lường trước. Vì vậy, việc thu hồi vốn sẽ khác nhau, có thể kéo dài từ 6-12 tháng đối với từng cửa hàng, từng khu vực, từng mùa vụ”, anh Quang Anh cho hay.
Sau một thời gian xây dựng được chỗ đứng và quảng bá thương hiệu, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Layla với mong muốn cùng đồng hành, phát triển dựa trên chính sách hợp tác “win - win” (hai bên cùng có lợi). Cụ thể, cũng với số vốn từ 100-300 triệu đồng, các cơ sở nhượng quyền sẽ được hỗ trợ tối đa từ công thức pha chế, quản lý vùng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đào tạo nhân viên, chiến lược marketing, phát triển thương hiệu… để đảm bảo tất cả chất lượng đều như nhau, tạo nên sự yên tâm cho khách hàng.
“Nếu một nhà đầu tư muốn mở cửa hàng trà chanh và đã chọn được địa điểm nhất định, với góc nhìn chuyên môn, chúng tôi sẽ thay họ thẩm định mặt bằng, quan sát lượng người qua lại, khách hàng có thuận tiện để tìm hay không và định hướng thiết kế như thế nào... Qua đó đánh giá địa điểm này liệu có phù hợp hoặc đề xuất một phương án khác để tránh những rủi ro”, anh Quang Anh nói.
Đại điện Layla tiết lộ, trong năm 2020 sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh xuống khu vực phía Nam và các tỉnh miền Tây.
Bài học từ “trà sữa, mỳ cay”
Theo ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink Media, mặc dù không mới và đã xuất hiện cách đây hàng chục năm nhưng mô hình kinh doanh trà chanh hiện nay đã thay đổi theo hướng sang chảnh, giá cả đồ uống lại hợp lý nên được giới trẻ quan tâm và muốn được trải nghiệm.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng việc đầu tư và mở quá nhiều có thể dẫn đến “trend” nhanh bị bão hòa.
Còn nhớ, cách đây không lâu, thị trường chứng kiến hàng loạt cửa hàng trà sữa, mỳ cay 7 cấp độ mọc lên như nấm sau mưa với đủ các thương hiệu lớn nhỏ. Người ta dễ dàng bắt gặp những cơ sở ngay sát cổng trường đại học, trên các con phố, trung tâm thương mại… Cảnh khách xếp thành hàng dài chờ mua trà sữa hay học sinh, sinh viên rủ nhau đi ăn thử mỳ cay không còn quá xa lạ. Nhưng chỉ sau một thời gian, những xu hướng này đã chìm dần. Lượng khách giảm nhanh, doanh thu lao dốc khiến nhiều cơ sở buộc phải đóng cửa trong đó gánh nặng lớn nhất chính là chi phí mặt bằng.
“Xu hướng là một chuyện nhưng điều quan trọng là phải “nhạy cảm” khi đo được đỉnh của “trend” và thời điểm thoái trào để điều chỉnh theo hướng hiệu quả. Nếu không nắm bắt được điều đó, chủ đầu sẽ tư khó có được dòng tiền tốt thậm chí rơi vào tình trạng thua lỗ, trắng tay”, ông Tuấn chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận