Giáo dục

Khi trường học là “mỏ vàng” của nhà đầu tư

16/08/2019, 06:18

Nếu chỉ xuất phát từ động cơ lợi nhuận, nhà đầu tư giáo dục sẽ biến đối tượng theo học thành phương tiện để mưu lợi, gây hậu quả khôn lường.

img
Vì mâu thuẫn giữa các cổ đông, Trường tiểu học và THCS Pascal bị đổ cát gạch ngay trong dịp khai giảng năm 2018

Chủ đầu tư bớt xén, hành xử như dân chợ búa

Tìm hiểu sự việc cháu bé 6 tuổi trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường, dư luận bàng hoàng về chất lượng dịch vụ của đơn vị giáo dục được gắn mác “quốc tế” với học phí mỗi tháng bằng cả năm ở các trường công lập. Theo tìm hiểu, Gateway thuộc Công ty CP Tập đoàn giáo dục quốc tế Edufit. Thành lập cuối năm 2019, đến nay Edufit đã tăng vốn hơn 7 lần (từ 20 tỷ lên 150 tỷ). Ngoài hệ thống Gateway, Edufit còn là chủ đầu tư hệ thống trường mầm non quốc tế Sakura Montessori với 9 cơ sở tọa lạc trên nhiều khu “đất vàng” tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và TP HCM.

Tại những trường tư thục cần thiết lập hội đồng quản trị song song với hội đồng nhà trường. Theo đó, mỗi bên đều có nguyên tắc hoạt động riêng, anh có tiền thì cứ quản lý nguồn thu chi còn việc quản lý, xây dựng chất lượng hoạt động đào tạo phải được trao quyền cho hội đồng nhà trường tự quyết.
TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


Trước sự lớn mạnh thần tốc, phát triển ồ ạt các cơ sở trong một thời gian ngắn của Edufit, nhiều người đã đặt câu hỏi về chất lượng dịch vụ đào tạo và vụ việc đau lòng vừa qua với cháu bé lớp 1 trường này có phải là một hậu quả tất yếu? Câu trả lời dần hé lộ khi quy trình đưa đón trẻ của Gateway đã bị “ăn bớt”, cô quản trẻ chưa qua đào tạo nghiệp vụ; chiếc xe 16 chỗ chở học sinh cũng chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải. Mang danh “quốc tế”, học phí cao ngất, song Gateway lại tận dụng một lao động tự do, ở tuổi hưu, giúp tiết kiệm chi phí nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Cũng quãng thời gian này năm ngoái, hơn 1.000 học sinh của Trường tiểu học và THCS Pascal (khu đô thị mới Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải dự lễ khai giảng nhờ ở địa điểm khác, do khuôn viên của trường bị nhóm người lạ mặt bịt khẩu trang, đổ đầy gạch, cát và trưng treo các băng - rôn mang nội dung phản đối. Dẫn con tựu trường, phụ huynh trường Pascal không thể kìm nén sự bức xúc trước hành vi mang tính xã hội đen diễn ra ngay trong cơ sở giáo dục. Một phụ huynh đã thốt lên: “Tranh chấp kinh tế là việc của nhà đầu tư. Không thể lợi dụng như cái cớ để trường Pascal thoái thác trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh; bảo đảm tính hợp pháp của một cơ sở giáo dục. Mọi chi phí chúng tôi nộp đủ, không thể để con chúng tôi phải học nhờ, “học chui” mãi nơi không phép”.

Theo công an quận Bắc Từ Liêm, nguyên nhân ban đầu của vụ việc là do tranh chấp quyền lợi giữa các cổ đông của Công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục - TDS Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư của trường Pascal. Tính tới thời điểm hiện tại, mâu thuẫn này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5/2019 đến nay đã xảy ra 20 vụ việc mất ANTT liên quan tới địa điểm này.

Là một trong những người không đồng tình với Luật Giáo dục sửa đổi vừa được ban hành, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT buồn bã chia sẻ với PV Báo Giao thông: “Cơ chế hiện nay trao quyền rất lớn cho nhà đầu tư giáo dục. Có những người không có trí tuệ, chuyên môn nhưng họ có tiền nên vẫn nắm quyền điều hành trong tay. Thế nên từ lâu rồi, không chỉ các trường phổ thông mà ngay cả đại học, cao đẳng tư thục cũng diễn ra cảnh cổ đông đánh chửi nhau như phường chợ búa”.

Chính ông Khuyến cũng từng rất nhiều lần đứng lên góp ý về những điều bất ổn trong cơ chế cho phép hoạt động xã hội hóa trong giáo dục có lợi nhuận. “Những người soạn thảo luật họ nói lý rằng hãy coi những trường tư thục như một doanh nghiệp để tạo điều kiện cho họ phát triển. Tuy nhiên giáo dục đâu phải đơn thuần như những lĩnh vực kinh doanh khác? Một doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì phá sản nhưng một trường học thất bại thì hệ lụy sẽ lớn vô cùng”, ông Khuyến nêu quan điểm.

Học sinh thành phương tiện mưu lợi

img
Dư luận cho rằng vụ học sinh lớp 1 tử vong trên xe đưa tới trường Gateway là hậu quả từ việc đầu tư ồ ạt cơ sở mà bỏ quên chất lượng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đang được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi như mức thuế thấp, miễn thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ giáo dục, miễn tiền sử dụng đất để phục vụ xây dựng cơ sở trường học…

Theo ông Cường, chính sách ưu đãi trên nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển tương lai của đất nước. Để xứng đáng với ưu đãi, các nhà đầu tư giáo dục phải gắn với trách nhiệm xã hội, giúp người học được hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn. “Không giống như những ngành sản xuất kinh doanh khác, lĩnh vực giáo dục đòi hỏi nhà đầu tư phải có lương tâm trách nhiệm bởi đối tượng tác động và sản phẩm đầu ra chính là con người. Nếu không, rất dễ biến đối tượng theo học thành phương tiện để mưu lợi”, ông Cường phân tích.

Nhiều tập đoàn nhảy vào thâu tóm trường học
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, hàng loạt thương vụ “thâu tóm” các trường ĐH tư thục ồ ạt được diễn ra. Cụ thể, sau thương vụ nghìn tỷ mua lại ĐH Hoa Sen, tính tới nay Nguyễn Hoàng Group (NHG) đã nắm quyền chi phối tại gần 40 cơ sở giáo dục tại 15 tỉnh thành. Tham gia “cuộc chơi” này còn có Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đang sở hữu Trường ĐH Yersin Đà Lạt, Trường CĐ Công nghệ và Quản trị Sonadezi ở Đồng Nai và vận hành hệ thống 15 trường từ bậc mầm non đến THPT ở 5 tỉnh thành. Ngoài ra hàng loạt tên tuổi khác như Hùng Hậu Holdings, Công ty CP Đầu tư phát triển giáo dục Hutech, Công ty CP Tập đoàn Capella, Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman… cũng đang sở hữu phần lớn cổ phần hàng loạt các trường ĐH, CĐ khác.


Cũng theo vị Hiệu phó trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chính động cơ ban đầu của chủ đầu tư sẽ quyết định hướng phát triển cơ sở giáo dục. “Tất nhiên khi đã bỏ tiền túi ra, nhà đầu tư phải nghĩ cách bảo toàn đồng vốn, rồi phát triển lớn lên để tái đầu tư và mở rộng, nhưng động cơ đó phải đi sau sự đam mê, trách nhiệm xã hội. Ngược lại, một khi nhà đầu tư xuất phát từ yếu tố lợi nhuận, họ sẽ nhìn theo cách đây là mảnh đất màu mỡ để kiếm lời. Với tâm lý, đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai, nên người học và gia đình họ luôn sẵn sàng bỏ chi phí ở khả năng cao nhất mà không có chuyện mặc cả. Với động cơ lợi nhuận, nhà đầu tư không ngại ngần vẽ ra viễn cảnh hoa mĩ, tạo ra những ảo tưởng về hình thức, lôi kéo thu hút người học. Đi kèm với đó là học phí cao, lợi nhuận lớn”, ông Cường phân tích.

Quay trở lại vụ trường Gateway, ông Cường nhận định, thời gian vừa qua nhiều trường mượn danh quốc tế dù bản chất không xứng tầm. “Với sự đầu tư ồ ạt mang danh quốc tế rất rõ để nhận ra động cơ lợi nhuận của nhà đầu tư tại Gateway. Vì lợi nhuận, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ qua mục tiêu giá trị cốt lõi của giáo dục là nhân văn tri thức, chỉ chăm chăm nghĩ cách làm như thế nào để thu được nhiều tiền. Như vậy, việc nhà đầu tư tìm cách cắt xén chi phí cho hoạt động giáo dục là việc đương nhiên”, ông Cường phân tích và nhấn mạnh: “Tùy thuộc vào động cơ của nhà đầu tư, có thể cùng giá học phí như nhau nhưng chi phí cho hoạt động giáo dục lại khác nhau và sản phẩm đào tạo ra cũng khác nhau. Chính vì vậy trên thế giới mới khuyến khích phát triển hệ thống các trường tư thục phi lợi nhuận để các nhà đầu tư luôn hướng tới mục tiêu đạt được là giá trị lương tâm, tri thức và tư cách con người”.

Cần xem xét trách nhiệm cấp phép, quản lý
Theo ông Cường, cần có những chính sách, cơ chế để hướng đến xã hội hoá giáo dục phi lợi nhuận. Trước hết, cần đưa ra những điều kiện thu hút nhà đầu tư là những người có trình độ, kinh nghiệm trong quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, quy định rõ khung lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng chứ không phải anh cứ mặc sức thu học phí cao, chi trả ít, còn dư bao nhiêu bỏ túi chia nhau. Điều này vừa đảm bảo mức độ lợi nhuận thỏa đáng cho nhà đầu tư, đảm bảo phần chi trả học phí chủ yếu được chuyển vào phục vụ cho người học mà phát triển cơ sở giáo dục.

“Một cơ sở giáo dục tốt không phải là tài sản riêng ông chủ bỏ tiền ra đầu tư mà là tài sản chung của cả cộng đồng người học. Tương lai, danh tiếng, trí tuệ của người học gắn với nhà trường. Ngoài ra, nhà đầu tư cần phải công khai minh bạch từng yếu tố cấu thành học phí; tất cả mọi hoạt động đào tạo phải được công khai minh bạch và được kiểm soát bởi cộng đồng và gia đình người học”, ông Cường cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.