Bóng đá

Khó lường cuộc đua vô địch Ngoại hạng Anh

15/01/2021, 06:30

Giải Ngoại hạng Anh mùa 2020-2021 đang chứng kiến cuộc đua vô địch được mở rộng tới 10 đội bóng, điều hiếm khi xảy ra.

img

Leicester City đang đứng thứ ba Ngoại hạng Anh. Ảnh: Fox Sports

Điều này giúp giải đấu số 1 nước Anh thêm hấp dẫn và khó lường ở chặng đường còn lại.

10 đội đua tranh cho ngôi vương

Tính tới hết ngày 14/1, giải Ngoại hạng Anh đang chứng kiến một hiện tượng khá lạ khi về mặt lý thuyết có tới 10 đội chạy đua ngôi vô địch. MU đang dẫn đầu bảng xếp hạng nhưng chỉ hơn đội xếp thứ hai - Liverpool 3 điểm (33 điểm).

Leicester City đứng thứ ba, kém Liverpool đúng 1 điểm. Trong khi đó, các vị trí từ thứ 4 tới thứ 7 gồm: Tottenham, Man City, Southampton và Everton cùng giành 29 điểm. Ba đội còn lại trong top 10 gồm: Aston Villa, Chelsea, West Ham có cùng 26 điểm. Như vậy, khoảng cách giữa đội xếp thứ 10 và đội đầu bảng chỉ là 10 điểm.

Hiếm mùa giải nào nhóm đầu Ngoại hạng Anh lại có sự cào bằng như vậy. Tất nhiên, những con số không phản ánh hết được bản chất vấn đề, cũng không phải tất cả những đội góp mặt trong top 10 đều đủ sức chạy đua đường dài. Nhưng ít nhất thực tế cho thấy cuộc chơi không đơn thuần thuộc về nhóm nhà giàu.

Trước đây, ngôi vương Ngoại hạng Anh thường chỉ là sự cạnh tranh trong nhóm “Big Four” (MU, Arsenal, Liverpool, Chelsea). Sau này “Big Four” chuyển thành “Big Six” khi bổ sung thêm Man City và Tottenham.

“Sự thống trị của nhóm 6 đội bóng lớn làm chúng ta đôi lúc có cảm giác rằng dường như họ đang cùng nhau chơi một giải đấu nhỏ trong lòng Ngoại hạng Anh. Những thắng lợi cách biệt giữa nhóm 6 này và phần còn lại liên tiếp diễn ra. Khi Man City đánh bại Swansea City 5-0 vào năm 2018, đội bóng của Pep Guardiola đã ghi nhận 83% thời gian cầm bóng, một kỷ lục mà nó cho thấy khoảng cách giữa giới thượng lưu và bình dân”, cây bút Gus Stevens của tạp chí danh tiếng GQ đánh giá.

Tuy nhiên, một vài năm gần đây, Leicester City, Everton, Southampton hay West Ham với sự đầu tư mạnh mẽ cùng nền tảng tốt cũng cho thấy họ sẵn sàng chơi sòng phẳng với các ông lớn.

Gus Stevens cho rằng, vấn đề ở đây không đơn thuần là tiền bạc, các đội bóng trên biết lựa chọn đầu tư để gia tăng sức mạnh. Ví như Everton mượn James Rodriguez từ Real Madrid đã giúp đội chủ sân Goodison Park nâng tầm lối chơi đáng kể. Leicester City cũng được nâng chất lượng đội hình với sự góp mặt của Tielemans hay Ayoze Perez.

Theo chuyên gia Michael Hincks của tờ Eurosports, bên cạnh việc một số đội bóng tầm trung vươn lên, bản thân nhiều ông lớn tự suy yếu vì các lý do khác nhau. Arsenal loay hoay sau triều đại Arsene Wenger, Chelsea tái cơ cấu bằng làn sóng trẻ hóa từ ghế huấn luyện tới cầu thủ nên không tránh khỏi sự chệch choạc. Man City thì dường như đang đi vào lối mòn tư duy còn Tottenham luôn kém ổn định.

Tờ The Athletic nhận định, tác động của Covid-19, lịch thi đấu dày đặc khiến các đội bóng lớn bị sa lầy.

“Không phải những đội bóng tầm trung miễn nhiễm với Covid-19, nhưng họ không phải gồng lên để gây áp lực, tấn công như nhóm ông lớn. Ngược lại, họ sẵn sàng ngồi yên để chịu áp lực. Trong cuộc chiến đường dài, ai chịu đựng tốt hơn sẽ chiếm ưu thế, những bộ máy càng chuẩn chỉ thì càng dễ sụp đổ khi gặp vấn đề”.

Ngoại hạng Anh hưởng lợi

Nhìn xa hơn, HLV Nuno Espirito Santo của CLB Wolverhampton khẳng định, không có gì bất thường khi nhìn vào cục diện bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh mùa giải năm nay. “Không có quá nhiều khác biệt giữa các đội bây giờ.

Leicester City nằm trong top đầu. Everton, Southampton và Aston Villa đang leo lên. Nếu những thứ hạng này được giữ nguyên tới cuối mùa, đây có thể là mùa giải hoang dã nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh.
Nhà báo Alex Keble (Goal)


Tất cả CLB đều có đội hình chất lượng, những nhà quản lý giỏi, sự chuẩn bị chu đáo, vì vậy tôi thấy khoảng cách giữa các đội ngày càng nhỏ hơn. Thế nên, việc những đội bóng lớn vấp ngã trước các đội bóng nhỏ là điều dễ hiểu”, ông Santo nhận xét.

Ông Nuno Espirito Santo cũng nhìn nhận, Ngoại hạng Anh gia tăng tính cạnh tranh rất có lợi cho bóng đá Anh. “Việc phải chinh chiến trong một giải đấu giàu tính va đập sẽ giúp các CLB Anh trưởng thành.

Từ đây, họ sẽ chơi tốt khi ra đấu trường châu Âu. Bằng chứng là tại Champions League hai mùa gần đây, các đội bóng Anh không còn quá lép vế như những năm trước.

Ngoài ra, Ngoại hạng Anh cạnh tranh cao cũng giúp các tuyển thủ Anh trưởng thành nhanh chóng, giúp đội tuyển Anh tăng cường sức chiến đấu. Không phải bỗng dưng hai năm gần đây thầy trò HLV Gareth Southgate lại thi đấu thành công”, HLV của Bầy Sói cho hay.

Cây bút Gus Stevens nhấn mạnh, Ngoại hạng Anh trở nên đa cực sẽ làm gia tăng sức hút của giải đấu vốn cực kỳ hấp dẫn này.

“Bạn nhìn vào Bundesliga, La Liga, Ligue 1 hay Serie A đều có thể khoanh vùng rất nhỏ CLB đua vô địch, thậm chí chỉ đích danh đội bóng sẽ vô địch. Ngoại hạng Anh thì khác, giải đấu này chưa bao giờ dễ dự đoán, nay lại càng làm khó các nhà cái khi có nhiều cái tên tham dự cuộc đua ở top đầu. Chẳng cần phép so sánh cũng biết đâu là giải đấu đáng xem hơn”, ông Gus Stevens phân tích.

Dưới góc độ tài chính, tờ Globaldata đánh giá, việc các CLB tầm trung vươn lên sẽ dần kéo giảm sự chênh lệch về doanh thu tại Ngoại hạng Anh. Theo thống kê, “Big Six” chiếm tới 81% doanh thu từ tài trợ.

Cụ thể, MU, Man City, Liverpol, Chelsea, Tottenham, Arsenal thu về 1,2 tỷ USD trong khi 14 đội còn lại chỉ có 261 triệu USD. Sở dĩ có sự chênh lệch này là do giá trị thương mại của những đội bóng lớn vượt trội các đối thủ. Tuy nhiên, nếu những đội bóng tầm trung tiếp tục tiến bộ, đem về các ngôi sao, họ sẽ sớm cải thiện được tình hình hiện tại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.