Nghệ sĩ Minh Tân biểu diễn nuốt kiếm trong chương trình "Người bí ẩn" |
Một người đàn ông có thể nuốt vào họng con dao với nhiều hình thù, phun lửa múa kiếm trên sân khấu; Móc da, đóng đinh trên người không có cảm giác đau. Người ấy chẳng phải là Hercules (một vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp), ông chỉ đơn thuần là một nghệ sĩ xiếc công năng hàng đầu, một người thày tận tâm với trò nghèo, cục mịch và tốt bụng.
Từ đóng đinh, móc cổ đến nuốt kiếm
Phan Văn Sơn, sinh năm 1963. Là con nhà nghèo nhưng ông luôn khao khát được làm nghệ thuật. Học hết lớp 2, cậu bé Sơn bỏ học để đi theo một người bán thuốc dạo tên là Minh Tân học ảo thuật. Ông lấy nghệ danh là Hoàng Sơn. Bao nhiêu tiền bố mẹ cho để đi học, Sơn đều giấu giếm mua hoa quả, rượu đến cho người thày của mình, coi đó như học phí để học ảo thuật. Mới học được trò nuốt bóng cao su, thì người thày trong một lần say rượu đã ngã xuống sông và qua đời. Tuy nhiên, vì không ai đến nhận xác nên công an đã đưa đi hỏa táng rồi gửi tro cốt lên chùa. Về sau, lo lắng tên người thày của mình sẽ thất truyền và với suy nghĩ “một ngày là thày, cả đời là thày”, Sơn làm mâm cơm cúng và xin lấy tên của thày làm nghệ danh đi biểu diễn. Cũng kể từ đó, cái tên Minh Tân luôn gắn liền với ông.
Tuy cuộc sống của những nghệ sĩ xiếc chật vật, nghệ sĩ Minh Tân vẫn cho cô con gái 15 tuổi theo nghề. Cô bé đã học được cách múa lửa và lắc vòng để nối nghiệp cha mình, dù biết tương lai phía trước còn bấp bênh. Nghệ sĩ Minh Tân từng trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ và có 4 người con với người vợ đầu. Cả 4 người đều theo nghiệp cha và hiện là diễn viên xiếc, ảo thuật và đã lập gia đình. |
Sau khi người thày mất, ông tìm mọi cách tự mày mò, học hành, xoay xở rồi đến với bộ môn diễn xiếc kungfu. Nổi danh trong làng xiếc Việt Nam với bộ môn xiếc kungfu, nhưng ít ai biết Minh Tân đến với nghề bằng cách… học lỏm chứ không được đào tạo trường lớp bài bản. Sau một lần thấy nghệ sĩ xiếc Thế Hiển biểu diễn nuốt kiếm tại công viên Đầm Sen, quá ngưỡng mộ và thích thú, ông lập tức về nhà chế một cây kiếm nhôm, bắt đầu tập nuốt kiếm. Hai tháng đầu tập luyện, ông liên tục bị ói khi mới đưa được thanh kiếm vào họng.
Trong một dịp đi biểu diễn ảo thuật tại Bồng Sơn (Bình Định), khi ông vừa đặt chân tới khách sạn, bầu sô cho biết, nếu buổi tối Minh Tân không có tiết mục mới thì không cần diễn nữa. Sốc trước câu nói lạnh tanh của bầu sô, ông lên phòng khách sạn, đóng cửa và tự tập nuốt kiếm. Ngay khi nuốt được, ông vui mừng gọi điện báo bầu sô cho mình diễn. Buổi tối, sau khi diễn xong, ông đã cảm ơn bầu sô. “Nhờ câu nói của ông ấy, tôi mới nuốt được cây kiếm mà đã mấy tháng tập luyện không nuốt được”, Minh Tân nhớ lại.
Về sau, ông phát triển các cách biểu diễn của mình từ kiếm thẳng, kiếm lưỡi cưa, lưỡi vòng… Không chỉ vậy, ông còn sáng tạo thêm nhiều màn biểu diễn ghê rợn như nuốt kiếm, móc cổ, đóng đinh vào người. Minh Tân tự hào, trong hơn 30 năm làm nghề, ông chưa bao giờ bị chấn thương nặng tới mức phải nhập viện. Dù rằng, những lần bị chấn thương thì vô số. Ông uống rất nhiều thuốc, từ thuốc chống sưng, chống mủ. Có những ngày không được khỏe thì nuốt kiếm không “trôi”, đôi lúc bị trầy xước dạ dày. Ông kể, học trò của ông có nhiều người nuốt kiếm bị thủng ruột và liên tục phải nhập viện. Nhưng với ông, đóng đinh hay móc cổ chỉ là ngoài da nên không có vấn đề gì, còn nuốt kiếm là môn nguy hiểm nhất. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể bị thủng ruột phải nhập viện. Nếu bị thủng ruột, trong 5-10 phút mà không nhập viện, chỉ có nước chết.
Nghệ sỹ Minh Tân khoe cây kiếm dài mà ông đã nuốt khi trình diễn trên nhiều sân khấu |
Dạy trò làm người tử tế trước khi làm nghề giỏi
Do chỉ học hết lớp 2, nghệ sĩ Minh Tân thừa nhận ông không biết chữ. Sống ở TP.HCM nhiều năm qua, tên tuyến đường ông cũng không biết đọc mà luôn phải hỏi đường. Thế nhưng, dù ít học nhưng Minh Tân lại là người trọng đạo nghĩa thày trò. Vì nhớ ngày trước mình cũng chỉ học lỏm chứ không có tiền đi học, khi mở lớp đào tạo học viên, Minh Tân cũng không lấy một đồng học phí của ai. Ông ước tính từ Bắc tới Nam, học trò hiện tại cũng lên tới hàng trăm người. Ngoài việc không lấy học phí, ông còn nuôi dạy và cho các học trò tiền ăn bởi thấy hoàn cảnh các trò đều nghèo, khó khăn. Theo nghệ sĩ này, nếu có người hướng dẫn thì các em sẽ học được cách biểu diễn cơ bản sau nửa tháng.
Ông hãnh diện cho hay, mình là người sáng lập bộ môn xiếc kungfu ở Việt Nam. Đến 90% nghệ sĩ xiếc kungfu ở Việt Nam hiện nay đều là học trò của ông. Đặc biệt, trước khi dạy các học trò, ông đều dạy đạo đức, để các học trò biết ơn Tổ nghiệp, biết ơn những người đã dạy bảo mình. Bởi Minh Tân tâm niệm, làm nghề phải có đức mới có hậu về sau, nhất là với một nghệ sĩ xiếc hàng ngày luôn đối mặt với những hiểm nguy rình rập, có thể nhập viện hoặc tử nghiệp bất cứ lúc nào. Thế nhưng, các học trò của ông trưởng thành, có người xin phép thày ra nghề, cũng có người học chưa thành nhưng đã trốn thày để đi diễn. Ông không trách học trò, chỉ lo lắng bởi các em chưa học tới nơi tới chốn đã ra làm nghề rất dễ xảy ra tai nạn không đáng có.
Có thể nói, thời kỳ hoàng kim của Minh Tân là những năm 1990, khi ông khoảng hơn 30 tuổi. Bấy giờ, ông được coi là nghệ sĩ xiếc kungfu duy nhất nên rất đắt show. Có những ngày ông chạy tới 5 - 6 show với mức thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/ngày. Không chỉ chạy các show diễn hội chợ, sự kiện, ông còn diễn ở các quán bar nên ngoài tiền lương còn có tiền boa của khách. Ông kể, có những dịp Tất niên, nhiều khách hàng gọi ông diễn với giá khá cao, thậm chí có nơi cát-sê tới 10 triệu đồng.
Số tiền kiếm được ngoài nuôi gia đình, ông còn để nuôi các học trò nghèo. Cũng may, vợ ông hiểu chồng và thương các trò nghèo, nên bà hàng ngày vẫn theo ông đến các chương trình biểu diễn để giúp đỡ thêm mỗi khi cần. Ông kể, nhiều học trò của ông sau khi ra nghề lấy giá cát-sê 200 - 400 nghìn đồng/suất diễn bởi họ chưa có tên tuổi, chỉ ham diễn chứ không ham tiền. Ông chia sẻ: “Các em có cái nghề để kiếm sống nhưng cũng không có đất sống. Đồng lương rẻ mạt, nhiều người phải ở nhà thuê, thậm chí không ai mướn diễn. Các em buộc phải làm thêm ở các quán rượu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận