Các phương tiện xe thô sơ, xe đạp vi phạm giao thông cũng gây nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT như mọi phương tiện khác.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm không hề dễ dàng, nếu người vi phạm không mang giấy tờ hoặc mang tiền theo người thì CSGT cũng chỉ biết nhắc nhở, tuyên truyền.
Khó xử phạt xe thô sơ
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số tuyến đường như: Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài; Đại lộ Thăng Long; Đường vành đai 3 trên cao… (TP Hà Nội) đều có cắm biển cấm các phương tiện cấm người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe thồ... và các tuyến đường này được thiết kế dành riêng cho ô tô lưu thông với vận tốc từ 80 - 100km/h.
Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn điều khiển xe thô sơ, xe đạp vào các tuyến đường này để tập thể dục, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và cho nhiều người tham gia giao thông trên đường.
CSGT xử lý một người đi xe đạp vào làn đường cao tốc. Ảnh: Bùi Tư
Trên các tuyến đường ở phố cổ nội đô Hà Nội, thi thoảng lại bắt gặp các phương tiện xe thô sơ chở hàng cồng kềnh ngang nhiên “diễu” trên phố, nhưng hầu như không bị xử lý.
Thượng uý Nguyễn Quốc Khánh, cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho hay, các tổ công tác của đơn vị vẫn thường xử lý đối với những xe thô sơ vi phạm các lỗi như chở hàng cồng kềnh, kéo theo xe khác…
Tuy nhiên quá trình xử lý đối với những xe này còn gặp nhiều khó khăn, vì đa phần những phương tiện này không có giấy tờ, không biển số, người điều khiển không mang giấy tờ ra đường, cũng không mang theo tiền...
Trong khi đó, với tài xế điều khiển phương tiện này, chỉ có thể giữ xe khi họ vi phạm nồng độ cồn, đi vào đường cao tốc, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của CSGT...
“Không phải lỗi vi phạm nào cũng có thể tạm giữ xe, vì vậy nhiều trường hợp người điều khiển xe thô sơ vi phạm giao thông, CSGT bắt được mà người vi phạm nói không mang theo tiền thì CSGT cũng chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền trực tiếp tới người vi phạm, rồi ghi vào sổ nhật kí mà không xử lý được…”, Thượng uý Khánh chia sẻ.
Thiếu tá Hoàng Văn Bình, Phó đội trưởng Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) xác nhận, việc xử lý xe đạp, xe thô sơ vi phạm không dễ dàng.
“Tuyến đường Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài thường xuyên có người đạp xe tập thể dục, đã nhiều lần Đội bố trí Tổ công tác chốt trực xử lý, nhưng cứ thấy bóng CSGT là những người đi xe đạp bê xe, rẽ sang đường ngược chiều bỏ chạy”, Thiếu tá Bình kể.
Phạt nghiêm đã đủ răn đe?
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, pháp luật đã có những quy định khá đầy đủ về việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông cho tất cả các phương tiện, trong đó có xe thô sơ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc xử lý các hành vi vi phạm này còn chưa hiệu quả.
“Thực tế, xe đạp, xe thô sơ là phương tiện đi lại, mưu sinh của một số người lao động phổ thông, bán hàng rong, học sinh, sinh viên... thường có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nên lực lượng chức năng cũng có phần nương nhẹ. Tuy nhiên, bất kì người điều khiển phương tiện nào cũng đều phải tuân thủ các quy định và bị xử phạt nếu vi phạm để đảm bảo công bằng”, luật sư Cường nói.
Lấy ví dụ Bộ GTVT Singapore vừa ban hành quy định mới tăng gấp đôi tiền phạt đối với người đi xe đạp vi phạm, hay Malaysia phạt nặng, thậm chí áp dụng phạt tù 1 năm đối với người đi xe đạp lên cao tốc, luật sư Cường đề xuất, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm, không nương nhẹ với các vi phạm của người đi xe thô sơ.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ Xử lý, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội xác nhận, đúng là các chế tài xử lý xe thô sơ đã có, tuy nhiên, mức phạt chưa cao.
Hiện không phải vi phạm nào cũng có thẻ tạm giữ xe, nên nếu người đi xe đạp nói “không có tiền nộp phạt”, CSGT cũng chỉ biết ghi sổ, nhắc nhở, tuyên truyền...
“Nếu có quy định cho phép cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đường có thể ra quyết định tạm giữ phương tiện khi người vi phạm không nộp phạt trực tiếp sẽ hiệu quả hơn”, Thiếu tá Tiến đề xuất.
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm, giải quyết TNGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, để hạn chế vi phạm giao thông liên quan đến xe thô sơ, bên cạnh công tác tuần tra xử phạt, cần tăng cường công tác tuyên truyền.
Thời gian tới, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT tới các trường học, khu dân cư trên địa bàn thành phố - nơi tập trung đông đối tượng thường đi xe đạp.
“Khi người dân nâng cao ý thức, không vi phạm để bảo vệ mình và mọi người, cùng đó kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm thì vi phạm sẽ giảm”, ông Vinh cho hay.
Ngày 1/3, trên tuyến QL54 đoạn qua xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), đã xảy ra vụ TNGT giữa xe khách giường nằm BKS 51B-17273 với đoàn xe đạp khoảng 10 người đạp xe tập thể dục phía trước.
Cú va chạm làm ô tô khách lao qua lề trái đâm vào hai trụ điện và gốc cây xanh ven đường. Hậu quả vụ tai nạn làm 1 người đi xe đạp tử vong tại chỗ, 2 người trên xe khách chết trên đường đi cấp cứu và chết tại bệnh viện.
Ngày 20/4, trên ĐT 741, đoạn qua xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã xảy ra một vụ tai nạn giữa xe tải mang BKS 47R - 002.54 và 1 xe đạp đi trong làn đường dành cho ô tô, sát với dải phân cách giữa đường. Cú va chạm đã làm người phụ nữ đi xe đạp bị cuốn vào gầm xe tải, tử vong tại chỗ.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội từ đầu năm đến nay trên địa bàn xảy ra 658 vụ TNGT, làm chết 273 người, bị thương 437 người. Riêng TNGT liên quan xe thô sơ xảy ra 6 vụ.
Theo Nghị định 100, các mức phạt đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ chỉ từ 80.000- 300.000 đồng. Mức cao nhất là vi phạm nồng độ cồn cũng chỉ bị xử phạt đến 60.000 đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận