Ngày 8/10, liên quan vụ án cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến và đồng phạm bị truy tố trong vụ Công ty AIC, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa có kế hoạch xét xử sơ thẩm.
Theo đó, phiên tòa khai mạc và xét xử công khai từ sáng 29/10, dự kiến kéo dài đến 31/10. Hội đồng xét xử gồm các thẩm phán Vũ Công Đồng (chủ tọa) và Nguyễn Hữu Hòa.
Khoảng 20 luật sư sẽ bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn có 2 người bào chữa gồm các luật sư Hoàng Minh Hiển và Nguyễn Thanh Tùng.
Cựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến có một người bào chữa là luật sư Nguyễn Văn Tú. Trong khi đó, hai người bào chữa cho ông Nguyễn Tử Quỳnh gồm các luật sư Đỗ Quang Thành và Trần Nam Long.
Trong vụ án, cơ quan tố tụng xác định bị hại là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình dân dụng và Công nghiệp Bắc Ninh.
Hồ sơ vụ án cho thấy, các ông Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Hạnh Chung (cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh), Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh) cùng bị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, đang bỏ trốn) bị truy tố tội Đưa hối lộ. Ông Nguyễn Tiến Nhường (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 7 người còn lại bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng nêu rõ, năm 2013, Công ty Sông Hồng và Công ty AIC thỏa thuận "chia nhau" thực hiện 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại bệnh viện các huyện trong tỉnh gồm: Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành.
Quá trình đấu thầu, các bị can đã có hành vi vi phạm quy định, sử dụng các công ty quân xanh để dự thầu, nâng giá trái quy định. Kết quả, 6 gói thầu đều được bàn giao trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước 48 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, quá trình tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trúng thầu, ông Nguyễn Nhân Chiến đã nhận 3 tỷ đồng của bà Nhàn và 1 tỷ từ Trần Văn Tuynh (do nhóm Công ty Sông Hồng đưa cho Tuynh).
Ông Chiến còn khai, vào các dịp lễ và Tết từ năm 2013-2020, Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhiều lần gặp và đưa cho ông Chiến tiền cùng quà biếu tổng trị giá 10 tỷ đồng. Sau đó, cựu Bí thư Bắc Ninh đã sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Còn bị can Nguyễn Tử Quỳnh nhận 2 tỷ đồng từ bà Nhàn và Trần Văn Tuynh (do nhóm Công ty Sông Hồng đưa cho Tuynh). Từ năm 2013-2019, ông Quỳnh còn nhận của bị can Nhàn 8,1 tỷ đồng rồi sử dụng cá nhân hết.
Cũng theo cáo trạng, các bị can đã nộp lại tổng cộng hơn 51 tỷ đồng. Trong đó, ông Chiến nộp lại 14 tỷ đồng, gồm 4 tỷ là tiền hưởng lợi từ 6 gói thầu và 10 tỷ tự nguyện nộp thêm. Ông Quỳnh nộp 10,1 tỷ đồng gồm 2 tỷ đồng do hưởng lợi từ 6 gói thầu và tự nguyện nộp thêm 8,1 tỷ để khắc phục hậu quả vụ án.
Hôm 4/10, Bộ Công an có quyết định khởi tố và truy nã bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC) trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị có liên quan.
Trước khi bỏ trốn, bà Nhàn được xác định ở tại phòng 1709-1710 tòa nhà Pacific Place, số 83B Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận