Xem - ăn - chơi

“Khoảng trời riêng” của họa sĩ - nhà báo Tuấn Dũng

23/04/2017, 08:26

Những nơi Tuấn Dũng đã đặt chân được ông ghi lại bằng nghệ thuật hội họa làm mê đắm người xem.

18

Họa sĩ Tuấn Dũng

Tôi có may mắn được tham dự lễ khai mạc và tham quan phòng triển lãm tranh đầu tiên của họa sĩ Tuấn Dũng vào năm 1993 tại Phòng Thương mại Đại sứ quán Pháp (Hà Nội). Khi đó họa sĩ 51 tuổi - độ tuổi đang chín của đời nghệ thuật. Dạo đó ông đang là họa sĩ ma két và vẽ minh họa của Báo Giao thông vận tải (nay là Báo Giao thông). Và vào những ngày tháng Tư lịch sử này, tức là sau 24 năm, tôi cùng bè bạn trong giới nghệ thuật và đông đảo người yêu thích hội họa lại được tận mắt thưởng thức những tác phẩm của họa sĩ Tuấn Dũng khi ông đã ở tuổi 75 trong phòng triển lãm tranh cá nhân tại nhà triển làm nghệ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Có cái gì chung của lần triển lãm đầu tiên và lần triển lãm thứ 6 ở người họa sĩ tài ba Tuấn Dũng? Xin nói luôn. Ông không học một trường lớp hội họa nào ngoài sự chỉ bảo của họa sĩ Phạm Viết Song và họa sĩ Đình Minh khi phát hiện ra tài năng bẩm sinh về hội họa của Tuấn Dũng.

Nét dễ nhận thấy và có thể là ý tưởng sáng tác bao trùm lên suốt gần 30 năm gắn bó với cây cọ là tên gọi “khoảng trời riêng” được Tuấn Dũng đặt cho không chỉ ở lần trưng bày lần 1 và lần 6 triển lãm tranh cá nhân mà cả bốn lần khác ở trong nước và quốc tế. Non một trăm tranh trưng bày lần một và 108 tác phẩm hội họa trưng bày ở lần thứ 6 này vẫn tuân theo một phương pháp sáng tác riêng mang phong cách Tuấn Dũng. Đó là những người, những vật, những cảnh ông nhìn thấy, chứng kiến đã trở thành thân thiện và kỉ niệm trong cuộc đời mình.

Trò chuyện với ông về giai đoạn ông làm họa sĩ ở Báo GTVT, ông bảo “đó là một trong những năm tháng tuyệt diệu nhất của đời ông và nghệ thuật của mình”. Thời làm Báo GTVT, ông đi nhiều và chính điều đó đã tạo điều kiện cho ông được tận mắt thấy vẻ đẹp của các miền quê hương. Không phải bỗng nhiên, ông có hàng loạt bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp trên đường lên Điện Biên, vùng Quảng Bình khói lửa một thời, cảnh nhà sàn miệt Lai Châu mờ sương và những triền núi chập chờn mây phủ chốn địa đầu Hà Giang...

19
Một bức tranh của họa sĩ Tuấn Dũng trong triển lãm “Khoảng trời riêng”

Vốn trung thành với ý tưởng nghệ thuật là chỉ vẽ những gì mình biết, mình thấy nên tranh Tuấn Dũng có thể tạm chia làm ba đề tài khá rõ. Đó là những bức tranh phong cảnh - những nơi Tuấn Dũng đã đặt chân nhân những chuyến công tác của đời phóng viên Báo GTVT được ông ghi lại bằng nghệ thuật hội họa làm mê đắm người xem. Toát lên ở những bức tranh phong cảnh, người ta nhận ra ít nhiều Tuấn Dũng chịu ảnh hưởng nghệ thuật tranh thủy mặc của cha ông kết hợp với luật phối cảnh hiện đại của trường phái hội họa châu Âu.

Một mảng tranh nữa không kém phần quan trọng và làm nên phong cách Tuấn Dũng đó là tranh chân dung những người bạn, đồng nghiệp trong giới nghệ thuật. Trong chùm tranh gồm hơn ba mươi bức khổ vừa và lớn, người xem có thể thấy lại hình bóng và nhất là thần thái của các tài năng nghệ thuật lớn của nước ta như: Nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Hoàng Cầm, họa sĩ Phạm Viết Song và cũng là người thầy đã đưa Tuấn Dũng vào con đường hội họa. Người xem cũng thấy lại những nghệ sĩ đương thời - những người bạn của họa sĩ như: Nhà văn Chu Lai, nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà thơ Vũ Duy Thông, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều...

Làm bạn với họa sĩ Tuấn Dũng hơn 30 năm kể từ khi cùng ông rong ruổi đến với những con đường, cây cầu của ngành Giao thông nên tôi biết họa sĩ Tuấn Dũng đã từng có hơn 30 năm làm báo. Trước khi về làm Báo GTVT, Tuấn Dũng đã có 14 năm làm báo Thiếu niên Tiền Phong, rồi sau 15 năm tròn làm Báo GTVT, ông đảm nhận trọng trách Phó tổng biên tập Tạp chí “Quản lý ngân quỹ quốc gia”. Nghề làm báo cũng tạo nên dấu ấn khó phai trong hội họa của ông. Trong phòng triển lãm lần thứ 6, cũng như năm lần triển lãm khác. Người xem nhận ra những suy tư của một nhà báo đầy trách nhiệm trước xã hội, dư luận được thể hiện trong các bức họa “bùng nổ”, “sự sống bền bỉ”, “khát vọng”, “chiếc lá cuối cùng”... Chính sự tôn trọng sự thật, qua góc nhìn của một nhà báo đã ảnh hưởng rất lớn và có thể nói đã làm nên đặc trưng nghệ thuật hội họa của Tuấn Dũng. Từ tranh phong cảnh đến tranh chân dung người ta thấy sự vẽ kĩ, vẽ chính xác trong từng chi tiết sự vật và nhân vật bằng bút pháp vững vàng của nghệ thuật với sự làm chủ màu và cây cọ...

Đứng cùng họa sĩ Tuấn Dũng trong phòng trưng bày tranh cá nhân lần thứ 6 bên cạnh những hoạ phẩm đang có sức hút mạnh mẽ đối với người xem (chưa đầy một tuần triển lãm, số người đặt mua tranh của ông đã lên tới con số gần một chục), nghe ông nói say mê về ngọn lửa sáng tạo ở người họa sĩ gốc Hà Thành (Tuấn Dũng quê làng Mọc, Quan Nhân), tôi chợt nhận ra ở độ tuổi 75, ông vẫn chưa thỏa mãn với những gì mình có được trong nghệ thuật. Chính sự khát khao này là động lực để người họa sĩ chủ yếu sáng tác bằng năng khiếu tiếp tục chinh phục những “khoảng trời riêng” mới với những dự định sáng tạo mới.

Quỳnh Mai 14/4

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.