Các DNVVN đang có xu hướng thu hẹp số lượng nhân công và quy mô sản xuất |
Gồng mình vì “miếng cơm manh áo”
Ba năm trước, chị Thùy Minh thành lập chuỗi ba cửa hàng tự chọn ở khu vực Thanh Trì (Hà Nội), vừa bán lẻ vừa bán buôn nhiều mặt hàng văn phòng phẩm, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, quà tặng... Buôn bán ế ẩm, cuối năm 2012, chị Minh dồn ba cửa hàng thành một. Đến đầu năm 2014, chị cho một hộ bán hoa tươi thuê bớt một góc mặt tiền cửa hàng. “Doanh thu ngày càng giảm mà chi phí cho ba cửa hàng tốn kém quá, nên phải co lại, cố tồn tại qua giai đoạn khó khăn này. Bao giờ bán buôn thuận lợi hơn thì tính cơ hội mở rộng trở lại sau”, chị Minh chia sẻ.
"Môi trường kinh doanh Việt Nam hãy bớt đi những từ quản kiểm, thay vào đó là những khái niệm như thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn... để tạo sự hứng khởi, năng động, sáng tạo cho doanh nghiệp”. TS. Nguyễn Đình Cung |
Thực trạng các DNVVN co lại, giảm quy mô, vốn đầu tư, chi phí sản xuất, nhân lực để tồn tại đã và đang phổ biến từ năm 2012 đến nay. Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam: Kết quả điều tra DNVVN”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM)công bố sáng 4/11 cũng cho thấy, so với năm 2011, đến nay đã có 25% DNVVN giảm quy mô. Số DNVVN đăng ký chính thức giảm một nửa (từ 20% xuống còn 10%); 60% doanh nghiệp nhỏ và 71% doanh nghiệp vừa giảm số lao động…
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, xu hướng “phú quý giật lùi” này rất đáng báo động, bởi: “Muốn phát triển tiếp tục thì phải có những doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng ít có khả năng sáng tạo, tạo công ăn việc làm, tỷ lệ xuất khẩu rất thấp...”.
TS. Phạm Chi Lan cũng lo lắng về bức tranh ảm đạm của DNVVN: “Số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ với quy mô 1-9 lao động vẫn giữ nguyên thời gian qua không phải vì họ xoay xở tốt hơn, bền vững hơn, mà vì họ đã đến tận cùng rồi. Đây chủ yếu là mô hình kinh doanh gia đình, họ phải gồng mình để tồn tại vì đây là miếng cơm manh áo cuối cùng”, bà Lan nói.
Nặng gánh chi phí phi chính thức
Chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, DNVVN còn “oằn lưng” đối mặt với gánh nặng chi phí phi chính thức (chi phí bôi trơn). Theo CIEM, khảo sát 2.500 DNVVN, thì có tới 45% thừa nhận chi hối lộ để đổi lại dịch vụ nào đó. Có 19% DNVVN thanh toán các khoản không chính thức để đối phó với cơ quan thuế. Việc tiếp cận tài chính khó khăn (43% DNVVN gặp khó khăn khi vay vốn tín dụng) cũng khiến chi phí phi chính thức gia tăng…
“Vốn đã khó khăn, phải gánh nhiều chi phí phi chính thức, lại vay vốn lãi suất cao thì càng thêm chật vật”, ông Nguyễn Gia Hảo, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và kinh doanh Hà Minh than. Theo ông Hảo, dù các ngân hàng “đánh tiếng” thừa tiền cho vay, doanh nghiệp nhỏ vẫn phải vay với lãi suất 14 - 15%. “Doanh nghiệp lãi 10% đã là sướng lắm, nhưng vay lãi suất cao “ăn” hết lãi của doanh nghiệp còn đâu”, ông Hảo nói.
Cho rằng chi phí phi chính thức là vấn đề trầm trọng của nền kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đề xuất khắc phục từ thực trạng hệ thống thông tin chưa minh bạch, thực thi chính sách bấp bênh, dễ thay đổi... TS. Phạm Chi Lan thì hy vọng, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giảm thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội và xuất - nhập khẩu… cho doanh nghiệp. “Khi áp dụng công nghệ thông tin, sẽ không còn có chuyện cán bộ thuế ngồi gặp doanh nghiệp rồi cưa đôi với nhau về thuế nữa”, bà Lan nói.
Hải Quỳnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận