Xe chở đất tung bụi mờ trên đoạn đường một bên là cây cầu vượt lũ thi công dở dang, cỏ mọc um tùm tại Km 1+650 và một bên là tấm biển “Yêu cầu tốc độ 20km/h để hạn chế gây ô nhiễm môi trường” |
Thiếu vốn đối ứng, thi công dang dở, dự án cải tạo nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, kè chống xói lở, phòng chống lụt bão và phát triển kinh tế khu vực hai bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đắp chiếu hơn 5 năm nay và đang rơi vào thảm cảnh bỏ thì thương mà vương thì nợ.
Đường cứu nạn lâm nạn
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại hiện trường dự án, hầu hết các gói thầu đều ngổn ngang. Tuyến đường cứu hộ, cứu nạn từ đoạn phía thượng lưu cầu Thạch Hãn lên phía đập Trấm lởm chởm, chủ yếu là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”. Nhiều đoạn bị xe ôtô cày nát, tạo thành những hố rãnh sâu khiến xe máy đi lại rất khổ sở. Số còn lại được thảm bê tông xi măng kiểu “đứt đoạn”, thậm chí, nhiều vị trí mặt đường xi măng vênh cao hàng chục cm so với mặt đường đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Cây cầu vượt lũ giản đơn 3 nhịp dài 21m tại Km1+650 trơ mố bên lùm cây cỏ mọc um tùm cùng một số thanh dầm đã lao lắp tạm đang “phơi” sắt gỉ sét giữa nắng mưa.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư và xây dựng (Sở NN&PTNT Quảng Trị) cho biết, hiện chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai dự án mới vào năm 2018 và hoàn thiện công trình đường cứu hộ, cứu nạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn đến đập Trấm vào năm 2020. |
Tìm hiểu của PV, dự án này được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt vào năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 683 tỷ đồng (cả phần đường và kè), từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư và xây dựng (Sở NN&PTNT Quảng Trị), ngay từ khi thi công, công trình đường cứu hộ, cứu nạn có một số lần phải điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư, “gọt” bớt chiều dài từ hơn 8,5km xuống còn hơn 8,1km và giảm tổng mức đầu tư phần đường từ hơn 402 tỷ đồng xuống 327 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, nhưng do nguồn vốn đầu tư gặp khó khăn, từ năm 2013 không được “bơm vốn” khiến công trình bị gián đoạn thi công từ đó đến nay. Nhà thầu cũng bị nợ đọng hàng chục tỷ đồng. Mặt khác, cả 6 công trình vượt lũ trên tuyến, gồm 1 cầu 3 nhịp giản đơn và 5 cầu 1 nhịp giản đơn mới thi công phần mố và trụ cầu, rồi trơ sắt hoen gỉ cho cỏ cây bu bám từ năm 2013 đến nay. Nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri đã rất nhiều lần kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh…
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2012, công trình đường cứu hộ, cứu nạn đã thi công nền đường được hơn 6,3km K95; hơn 5,9km K98 và rải lớp cấp phối đá dăm được 4,6km trên chiều dài hơn 8,1km. Bê tông mặt đường cả hai làn xe 5 đoạn với chiều dài hơn 2,8km; bê tông mặt đường một làn xe 2 đoạn với chiều dài 723m… Tổng giá trị thực hiện đến 31/12/2012 trên 137 tỷ đồng, trong khi vốn kế hoạch được bố trí 87 tỷ đồng, đã giải ngân 100% và hiện còn nợ đọng trên 50 tỷ đồng, trong đó nợ xây lắp gần 40 tỷ đồng và nợ đền bù GPMB trên 11 tỷ đồng.
Lập dự án mới, giải cứu đường "đắp chiếu"
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho hay, công trình dở dang đã quá lâu, không biết bao giờ mới tiếp tục được triển khai. Bà con kiến nghị nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường, mất ATGT… Mới đây, tỉnh có chủ trương tái khởi động dự án. Người dân chỉ mong hết cảnh cầu đường khổ ải.
Theo Văn phòng UBND Quảng Trị, nhằm giải cứu tình trạng đắp chiếu của công trình đường cứu hộ, cứu nạn này, mới đây UBND tỉnh Quảng Trị đã cho phép chủ đầu tư (Sở NN&PTNT Quảng Trị) kết thúc dự án cũ và lập dự án mới để trình Bộ KH&ĐT bổ sung vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương 50 tỷ đồng.
Nguồn vốn “cắt gọt” khiến công trình tiếp tục phải thay đổi quy mô phù hợp với dự án nhóm B, không đầu tư hoàn thành toàn bộ mặt cắt ngang công trình theo thiết kế ban đầu của dự án cũ, mà chỉ đầu tư hoàn thành một phần mặt cắt ngang nền đường. Trong đó, đoạn qua các thôn của xã Triệu Thượng được điều chỉnh bề rộng nền đường từ 9m xuống 6,5m và mặt đường từ 7m xuống còn 3,5m; đoạn qua phường An Đôn cũng được điều chỉnh mặt đường từ 10,5m xuống 6m…
Trước mắt, Quảng Trị yêu cầu chủ đầu tư cân đối khi được bố trí nguồn vốn tập trung thực hiện một số khối lượng dở dang như: thi công nối liền các đoạn mặt đường bê tông “đứt đoạn”. Hoàn thiện nền mặt đường đoạn từ đầu tuyến đến cầu vượt lũ tại Km1+650 và tiếp tục hoàn thiện cầu vượt lũ dở dang tại Km1+650 để khớp nối với đoạn đường đã được bê tông xi măng hoàn thiện.
Về vấn đề nợ đọng khối lượng đã thi công, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu chủ đầu tư tổ chức kiểm tra nghiệm thu và quyết toán khối lượng hoàn thành dự án đúng quy định; xây dựng phương án trả nợ đọng vốn xây dựng cơ bản theo lộ trình cụ thể, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận