Y tế

Không biết bị mắc đái tháo đường, bé gái 13 tuổi bất ngờ hôn mê sâu

12/04/2023, 15:18

Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vừa cứu sống bé gái 13 tuổi bị hôn mê sâu, nguy kịch do mắc bệnh đái tháo đường.

Bé gái bất ngờ hôn mê do đường huyết tăng cao

Ngày 12/4, bệnh viện Sản nhi Nghệ An thông tin, tại đây đã cứu sống một bé gái tên Đ.T.P.L. (13 tuổi, trú tại Yên Thành, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.

Gia đình bé L. cho các bác sĩ biết, 1 tháng trở lại đây, bé L. giảm cân rất nhanh, thường xuyên mệt mỏi, khát nước, uống nhiều, tiểu tiện liên tục, nhưng gia đình chưa cho đi khám.

img

Bé gái 13 tuổi hôn mê, nguy kịch do đái tháo đường được các bác sĩ BV Sản nhi Nghệ An cứu sống

Khi nhập viện, bé L. có chỉ số đường máu 72,85 mmol/l vượt nhiều lần so với chỉ số bình thường là 3,4-6,2 mmol/l, ê-kíp hội chẩn thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị sốc giảm thể tích, toan ceton do đái tháo đường. Ngay sau đó, bé L. được điều trị thở máy, nhịn ăn, bù dịch theo phác đồ.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường ở trẻ em:

Biến chứng cấp tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ là hôn mê nhiễm toan ceton. Do không sử dụng được đường nên cơ thể lấy năng lượng cho hoạt động từ nguồn mỡ dự trữ đưa đến tạo nhiều thể ceton trong máu thông qua quá trình chuyển hóa acid béo, đưa đến nhiễm toan máu nặng. Trẻ biểu hiện rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê, thở nhanh sâu, mất nước có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Biến chứng lâu dài như tổn thương mạch máu ở võng mạc: Giảm thị lực, hoa mắt, có thể đưa đến mù lòa; ở thận: Tiểu đạm, có thể suy thận; ở chân: Chân lạnh, tím đỏ, loét; tổn thương thần kinh: Tê rần, rát bỏng, đau nhức chân.

Sau 6 ngày thở máy, điều chỉnh đường huyết và insulin, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, được tiến hành cai máy, thở oxy.

Sau cai máy 1 ngày trẻ tỉnh táo, tự thở, được tập cho ăn đường miệng, chuyển insulin duy trì tĩnh mạch sang insulin tiêm dưới da theo cữ. Dần dần, trẻ qua được cơn nguy kịch và được chuyển điều trị y học cổ truyền kết hợp chuyên ngành nội tiết.

Lưu ý triệu chứng ở trẻ mắc đái tháo đường

Theo BS. Nguyễn Minh Tiến, BV Nhi đồng TP.HCM, bệnh đái tháo đường không lây cho người xung quanh nhưng có tính di truyền, ông bà nội ngoại hoặc cô, dì, chú, bác hoặc cha mẹ bị đái tháo đường thì con cháu có thể mắc bệnh này.

Trong nhóm trẻ bị đái tháo đường có tần suất bệnh cao nhất ở 5-7 tuổi tương ứng với thời điểm tăng tiếp xúc với các tác nhân nhiễm trùng khi bắt đầu đi học và nhóm tuổi dậy thì tương ứng với lúc tăng tiết hormone sinh dục, hormone tăng trưởng và các stress ở lứa tuổi này.

Đa số trẻ mắc bệnh đái tháo đường type 1. Một số ít mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường ở trẻ dư cân, béo phì, hoặc có liên quan đến nhiễm siêu vi cúm, quai bị, rubella...

Triệu chứng "4 nhiều" đặc trưng của bệnh đái tháo đường là ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, tuy nhiên, trên thực tế, có thể trẻ mắc đái tháo đường chỉ có các dấu hiệu hay khát nước, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, tiểu đêm thường xuyên, sụt cân, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc... Do đó, khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết để khám và điều trị kịp thời tránh để các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.