Từ 2011-2019, 121 nhà máy nhiệt điện than ở Hoa Kỳ đã được chuyển đổi mục đích sử dụng để đốt các nhiên liệu khác, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA). Ảnh: Một nhà máy nhiệt điện than ở Mỹ.
Nhiệt điện than có chi phí thấp?
Sau một tháng xin ý kiến góp ý về dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương đã có báo cáo tổng hợp các ý kiến góp ý chính đối với Đề án Quy hoạch điện VIII và nêu ý kiến giải trình của đơn vị Tư vấn lập Quy hoạch điện VIII theo quy định tại Luật Quy hoạch.
Theo góp ý của Liên minh Năng lượng Việt Nam, một số tỉnh có quy hoạch nhà máy nhiệt điện than (NMNĐ) và Đại sứ quán Đan Mạch đề nghị không phát triển thêm các NMNĐ than mới bởi lý do gây ô nhiễm môi trường, không thu xếp được vốn trong Quy hoạch, nhất là trong giai đoạn 10 năm tới.
Đồng thời, đề nghị loại bỏ vị trí quy hoạch nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, phần công suất thiếu hụt sẽ bù vào công suất nguồn điện khí (LNG).
Tuy nhiên, đơn vị lập quy hoạch cho biết, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng bởi đây là những dự án đã thực hiện.
Ví dụ như nhà máy nhiệt điện Nam Định I, Thái Bình II, Vũng Áng II, Vân Phong I, Duyên Hải II.... Sau năm 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao.
Hơn nữa, hệ thống vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao.Trong khi, nếu chọn phát triển LNG thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy.
Chưa kể, chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng. Ngoài ra chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều (chi phí hệ thống sẽ tăng khoảng 2 tỷ USD/năm so với kịch bản chọn), không phù hợp với tiêu chí quy hoạch nguồn điện theo chi phí tối thiểu đã đặt ra.
Không gây hại đến sức khỏe con người?
Đơn vị lập quy hoạch cũng giải thích, công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường.
Vì vậy, các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ngoài hiệu suất có thể lớn hơn 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên thì công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng đạt hiệu suất cao tương ứng có thể xử lý để giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Thực tế cho thấy, nhiều dự án còn nằm gần các đô thị lớn như ở Úc, Nhật Bản, Đức phát thải từ nhà máy hiện được kiểm soát bởi hai lớp tiêu chuẩn như tiêu chuẩn nguồn thải quy định nồng độ phát thải khí thải tại nguồn và tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh áp dụng để kiểm soát nồng độ phát thải các loại khí thải trong không khí xung quanh
Do đó, phát thải ở mức rất thấp và được kiểm soát bằng hệ thống giám sát tự động về các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Từ đó, nồng độ các khí thải sẽ được kiểm soát ở ngưỡng không gây hại đến sức khỏe con người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận