Một thành viên thuộc đội bảo vệ bờ biển của Đài Loan đứng trên tàu hải cảnh, quan sát một tàu hút cát của Trung Quốc đại lục
Dùng tàu khai thác cát vắt kiệt sức tuần tra Đài Loan
Bắc Kinh đang sử dụng loại "vũ khí" đó là tàu khai thác cát để làm suy yếu khả năng phòng vệ của Đài Bắc - đây là nhận định của phóng viên Reuters Yimou Lee sau một chuyến tác nghiệp, tìm hiểu và ghi nhận tình hình trên tàu hải cảnh của Đài Loan.
Trong bài viết đăng tải ngày 5/2, phóng viên Lee cho biết, Đài Loan đang đối mặt với mặt trận kiểu mới mà Trung Quốc dựng lên đó là nạo vét cát.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Đài Loan cho biết, mục tiêu chính của Bắc Kinh là gây áp lực lên đảo Đài Loan bằng hành động quấy nhiễu, làm giảm mức độ phòng vệ hàng hải của Đài Loan, gây ảnh hưởng tới kế sinh nhai của người dân đảo Mã Tổ (Matsu).
Theo chân lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan, phóng viên Lee ghi nhận, chỉ trong nửa giờ tuần tra, đoàn thủy thủ gồm 9 người do Chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan Lin Chie-ming dẫn đầu, đã phát hiện 2 tàu nạo vét cát 3.000 tấn, đối lập với con tàu 100 tấn của họ. Hai con tàu nạo vét đều không đề rõ tên, dừng lại ngay trước vùng biển mà Đài Loan kiểm soát khiến cho đội tuần tra khó xác nhận khi nhìn qua ống nhòm.
Ngay khi phát hiện tàu tuần tra của ông Lin được trang bị vòi rồng và súng máy, tàu hút cát đã nhanh chóng rút mỏ neo, quay đầu về phía bờ biển Trung Quốc đại lục.
“Họ nghĩ rằng khu vực này là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Các tàu thường rời đi ngay sau khi bị xua đuổi nhưng sẽ quay lại khi chúng tôi đi xa” - ông Lin nói.
Tại khu vực ngoài khơi đảo Mã Tổ (Matsu) nơi có 13.300 dân sinh sống, kể từ tháng 6 năm ngoái, các tàu nạo vét Trung Quốc liên tục kéo đến, thả neo và nạo vét lượng cát lớn từ lòng biển để phục vụ các dự án sản xuất tại Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn khai thác cát ở các vùng biển nước nông gần đường trung tuyến của Eo biển Đì Loan - vốn được coi là vùng đệm không chính thức, ngăn cách Trung Quốc - Đài Loan, theo cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan.
Tính trong cả năm 2020, lực lượng bảo vệ bờ biển của hòn đảo này đã xua đuổi gần 4.000 tàu nạo vét và vận chuyển cát của Trung Quốc đại lục ra khỏi vùng biển mà chính quyền hòn đảo này kiểm soát, hầu hết đều các vụ việc đều xảy ra ở khu vực sát với đường trung tuyến của eo biển. Tần suất hoạt động của các tàu này tăng 560% so với năm 2019.
Nhớ lại một cảnh tượng không thể quên khi chạm trán với tàu thuyền Trung Quốc đại lục, Chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Lin Chie-ming cho biết, ông và các đồng nghiệp đã phải đối mặt với một đội khoảng 100 tàu thuyền có vũ trang từ Trung Quốc. Hôm đó, đội của ông Lin đã trục xuất 7 tàu Trung Quốc đại lục xâm phạm vùng biển Mã Tổ.
Giới chức Đài Loan và người dân Mã Tổ e ngại, những hoạt động nạo vét cát từ phía Trung Quốc gây xói mòn, làm suy hại nền kinh tế địa phương, ảnh hưởng tới hệ thống cáp liên lạc dưới biển và làm người dân, khách du lịch hoảng sợ.
Giới chức địa phương còn quan ngại việc nạo vét sẽ làm phá hủy đời sống sinh vật biển gần đó.
Đặc biệt, những hành động nhăm nhe lờn vờn liên tục gần ranh giới đã vắt kiệt sức của lực lượng bảo vệ biển Đài Loan buộc họ phải tuần tra ngày đêm, xua đuổi tàu nạo vét của Trung Quốc.
Tàu hút cát mang cờ Trung Quốc đại lục xuất hiện ngoài khơi đảo Mã Tổ
”Chiến thuật vùng xám”
Kết quả này được cho là đã đi đúng mục đích mà Trung Quốc mong muốn.
Theo chính quyền đảo Đài Loan và nhiều nhà phân tích, khai thác cát đang là một trong những “vũ khí” đặc biệt mà Trung Quốc sử dụng để chống lại Đài Loan, được gọi là chiến thuật vùng xám.
Chiến thuật này sử dụng những chiến lược bất thường làm đối thủ kiệt quệ mà không cần phải phát động chiến tranh. Trong lần vận dụng này, Trung Quốc đang nhắm tới lực lượng phòng vệ bờ biển Đài Loan.
Nạo vét là “chiến thuật vùng xám mang những đặc trưng của Trung Quốc” - ông Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu đến từ tổ chức cố vấn quân sự cấp cao Đài Loan - Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thu nhận định. Theo ông, ngoài nạo vét cát, Bắc Kinh còn nhằm gây áp lực lên Đài Loan.
Một quan chức an ninh của hòn đảo, đang điều tra các hoạt động khai thác cát của Trung Quốc cho biết: Những hoạt động này một phần trong cuộc chiến tâm lý nhắm vào Đài Loan, tương tự như những động thái tăng cường chiến cơ xâm phạm vùng nhận diện phòng không phía Tây Nam Đài Loan mà Bắc Kinh đang thực hiện với tần suất dày đặc như hiện nay.
Khi được hỏi về nghi vấn Trung Quốc áp dụng chiến thuật vùng xám, Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan (cơ quan đang giám sát chính sách liên quan tới Trung Quốc) chỉ trích, Bắc Kinh thực hiện những hoạt động “quấy rối” nhằm gây áp lực lên Đài Loan. Hội đồng này khẳng định chính quyền Đài Bắc sẽ tăng cường trừng phạt những hành vi nạo vét ở bên trong vùng biển thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan.
Cơ quan Phòng vệ của Đài Loan chưa bình luận về những diễn biến trên.
Song về phía Bắc Kinh, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc phủ nhận, việc Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh cho phép tàu nạo vét tham gia vào các hoạt động “phi pháp” gần đảo Mã Tổ và đường trung tuyến Eo biển Đài Loan là vô căn cứ.
Văn phòng này khẳng định, Bắc Kinh đã có động thái ngăn chặn những hành vi khai thác cát bất hợp pháp song một lần nữa nhấn mạnh Đài Loan là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc”. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần của nước này và đề ra chính sách "Một Trung Quốc" buộc các quốc gia có quan hệ với Bắc Kinh phải tuân thủ nguyên tắc đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận