Xã hội

Không chăm sóc người thân của người đã ly hôn có là bạo lực gia đình?

26/10/2022, 16:52

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, đã ly hôn rồi mà vẫn buộc phải có trách nhiệm nuôi dưỡng thành viên trong gia của người đã ly hôn thì không hợp lý.

Không cần chia nhóm về bạo lực tinh thần, tình dục

Chiều nay (26/10), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, về hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo luật có liệt kê 16 nội dung, có sự sắp xếp từng nhóm hành vi có liên quan nhau, tác động, đan xen nhau với nhiều hình thức khác nhau, đã mang tính bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình của từng vụ việc .

"Tôi tán thành, không nhất thiết phải chia nhóm về bạo lực tinh thần, thể xác, tình dục hoặc các hình thức bạo lực khác", ông Hòa nêu quan điểm.

img

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị nên rà soát kỹ lại tại khoản 2, Điều 3 với nội dung bạo lực gia đình mở rộng thêm một số đối tượng chưa hợp lý.

"Nếu đã ly hôn rồi mà vẫn bắt buộc phải có trách nhiệm nuôi dưỡng những thành viên trong gia đình như anh chị em, cha mẹ của người đã ly hôn thì không hợp lý", ông Hòa nói.

Vấn đề tiếp theo, đại biểu Phạm Văn Hòa đề cập đến là về xử lý tin báo, tố giác bạo lực gia đình.

Đại biểu này cho biết, dự thảo đang quy định, khi nhận tin báo hoặc có hành vi bạo lực phải báo cho Chủ tịch UBND cấp xã để phân công hoặc trực tiếp tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực.

"Theo tôi người nhận tin báo là báo ngay cho công an, đồn biên phòng nơi gần nhất để phối hợp đến hiện trường ngăn chặn kịp thời hoặc trực tiếp, sau đó báo cho Chủ tịch UBND xã biết. Như vậy sẽ kịp thời ngăn chặn sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Chờ Chủ tịch UBND xã phân công công an xã xử lý là rất chậm", ông Hòa nói.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn)

Tăng nặng thời gian cấm tiếp xúc đối với hành vi tái phạm bạo lực gia đình

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) cho biết, tại khoản 2 Điều 16 đề nghị bổ sung đối tượng những người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình như người nghiện rượu, thất nghiệp, người mắc tệ nạn xã hội được tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình để đảm bảo nguyên tắc của dự thảo Luật "lấy phòng ngừa là chính".

Đại biểu Huế lấy dẫn chứng: Theo thống kê của TAND tối cao, giai đoạn 2008 – 2018 cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn là do bạo lực gia đình mà nguyên nhân là do vợ hoặc chồng nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm bạo lực gia đình cũng chỉ ra rằng tình trạng tội phạm bạo lực gia đình có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những hệ luỵ của các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, làm phát sinh những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình.

"Do đó, những nghiện rượu, mắc tệ nạn xã hội là đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình và cần được tư vấn", đại biểu Huế nhìn nhận.

Tại Điều 25 cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã, đại biểu Huế đề nghị quy định rõ hơn đối với việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc lần tiếp theo vì chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc không quá 3 ngày cho mỗi lần, như vậy là chưa đủ tính răn đe đối với những trường hợp có hành vi vi phạm nhiều lần.

"Đối với hành vi vi phạm lần tiếp theo, quyết định thời gian cấp tiếp xúc phải tăng nặng hơn lần một. Tôi đề xuất áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc không quá 5 ngày cho những trường hợp tái phạm, như vậy mới bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhiều lần", đại biểu Huế đề xuất.

Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) thì đề nghị cần xem lại nội dung công an cấp xã thực hiện yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến công an cấp xã nơi xảy ra hành vi để làm rõ vụ việc.

Theo quy định tại khoản 3, điều 20 chỉ khi có tin báo tố giác về bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… thì chủ tịch UBND cấp xã mới phân công công an cấp xã xử lý.

Trong khi đó, tại khoản 1, điều 20 quy định công an cấp xã, đồn biên phòng khi nhận tin báo tố giác về người bị bạo lực gia đình thì trong phạm vi, quyền hạn của mình kịp thời xử lý, ngăn chặn hành vi, đồng thời thông báo cho Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình.

"Do đó để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, đề nghị quy định cơ quan công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an. Trường hợp không chấp hành thì có quyền tạm giữ người theo quy định của pháp luật", ông Hoàn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.