Ông Phạm Minh Tuấn |
Công khai số lượng và quá trình bán vé
Trong khi ngành Đường sắt đang rất trì trệ, cơ sở hạ tầng lạc hậu và phần lớn bán vé đều thủ công, lý do nào khiến FPT quyết định đầu tư vào hệ thống bán vé điện tử này, thưa ông?
Đối với bất kỳ quốc gia nào, đường sắt luôn là hình thức vận tải quan trọng. Đầu tư vào hệ thống bán vé cho đường sắt, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần hỗ trợ cho những thay đổi tích cực của ngành Đường sắt trong thời gian tới. Hiện nay, trên thế giới các hệ thống bán vé, đặt chỗ đều dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, cũng như sử dụng internet, thiết bị di động. FPT có hơn 26 năm kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án công nghệ thông tin quốc gia, trong đó có nhiều dự án công nghệ tiên tiến cho các khách hàng trên thế giới. Do đó, FPT cũng có một số thuận lợi khi thực hiện dự án này.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa hệ thống bán vé điện tử sẽ phải đi vào hoạt động, đến nay tiến độ công việc đã thực hiện đến đâu, thưa ông?
Về cơ bản, hệ thống bán vé điện tử đã được hoàn thiện. Ngày 24/10 vừa rồi, FPT đã tổ chức một buổi dùng thử, đối tượng là những người hoàn toàn chưa có trải nghiệm hay hiểu biết gì về hệ thống bán vé tàu điện tử, thậm chí là những người năng lực về tin học hay công nghệ thông tin không thực sự thành thạo. Chúng tôi đã nhận được những phản hồi ban đầu và đang tiếp tục hoàn thiện để kịp khai trương hệ thống vào ngày 21/11 như kế hoạch ban đầu.
Ưu điểm nổi bật của hệ thống bán vé mới này là minh bạch, công khai toàn bộ số lượng vé và quá trình bán. Người dân có thể cập nhật đầy đủ thông tin để tham gia mua vé thuận lợi nhất, từ đó lựa chọn được vé theo đúng nhu cầu về thời gian và hành trình của mình.
Hệ thống bán vé mới minh bạch, công khai toàn bộ số lượng vé và quá trình bán, nên khách hàng sẽ lựa chọn được vé đúng nhu cầu |
Cho phép vài triệu lượt truy cập cùng lúc
Nhiều người lo lắng hệ thống bán vé điện tử sẽ bị “nghẽn mạng” khi có hàng triệu lượt truy cập cùng lúc. Ông chia sẻ gì về những lo lắng này?
Nhu cầu vé vào mỗi dịp cao điểm với bất kỳ loại hình dịch vụ vận tải nào cũng sẽ cao hơn khả năng đáp ứng, do đó việc mua vé chắc chắn khó khăn đối với hệ thống bán vé truyền thống. Hệ thống bán vé mới của chúng tôi được thiết kế một cách thuận tiện nhất cho người dân để mua vé, đồng thời trang bị hạ tầng mạnh cho phép đáp ứng lên đến vài triệu lượt truy cập cùng một thời điểm. Hơn nữa, chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho các phương án dự phòng để xử lý nhanh khi có sự cố vào thời gian cao điểm.
Nếu hành khách không biết sử dụng máy tính và điện thoại thông minh, họ sẽ mua vé tàu thế nào?
Hiện internet, máy tính và cả điện thoại thông minh đã có mặt tại cả những vùng xa xôi, hẻo lánh nên chúng tôi cho rằng câu chuyện trên chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. Ngoài ra, phần mềm cũng được thiết kế để cho những người có năng lực công nghệ thông tin không thực sự tốt cũng có thể sử dụng được. Trên thực tế, bên cạnh hệ thống vé điện tử, Tổng Công ty Đường sắt VN vẫn bán vé trực tiếp tại ga theo phương thức truyền thống như trước đây. Ngoài ra, theo tôi được biết, Tổng Công ty Đường sắt VN cũng đã có kế hoạch mở rộng mạng lưới thanh toán mua vé tại các điểm bưu điện và một số điểm giao dịch ngân hàng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng thanh toán và mua vé tàu.
Được biết, FPT đầu tư toàn bộ số vốn và hưởng phần trăm doanh thu bán vé để thu hồi vốn. Vậy sau bao nhiêu năm FPT sẽ thu hồi đủ vốn và có lãi?
Vẫn còn quá sớm để đưa ra thời điểm chính xác để trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên, cả hai bên FPT và Tổng Công ty Đường sắt VN đều đang nỗ lực để có được những cải tiến tốt nhất, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân.
Thời gian tới, hệ thống bán vé điện tử sẽ tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện như thế nào, thưa ông?
Chắc chắn rồi. Theo kế hoạch, FPT sẽ kết hợp với các nước có công nghệ đường sắt tiên tiến như Nhật, Đức để xây dựng ba chức năng lõi nhằm điều tiết giá vé tự động, cắt chặng tự động và cấp phát chỗ tự động. Đây là một phần của hệ thống, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm sau. Các chuyên gia của chúng tôi đang làm việc với các đối tác của Nhật và Đức để đánh giá mô hình phần mềm tại các quốc gia này cũng như thực tế khả năng áp dụng tại Việt Nam để có những lựa chọn cuối cùng.
Cảm ơn ông!
Thiện Anh
(Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận