Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trả lời PV Báo Giao thông |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội không chọn một số thành viên Chính phủ như thông lệ mà các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Báo Giao thông trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về một số nội dung cụ thể, trong đó có việc giám sát việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng.
Chất vấn không có nhiệm kỳ
Thưa bà, việc chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện lời hứa đưa ra tại những phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay có ý nghĩa thế nào?
Việc này đã có tiền lệ từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII với việc rà soát tất cả các Nghị quyết chất vấn của cả nhiệm kỳ. Qua đây khẳng định rằng, chất vấn là không có nhiệm kỳ, có thể Quốc hội, ĐBQH hoạt động có nhiệm kỳ nhưng tất cả các vấn đề cử tri quan tâm và gửi gắm các ĐBQH luôn quan tâm, nếu hết nhiệm kỳ thì gửi gắm lại cho nhau.
Việc này rất hiệu quả, đặc biệt là vào giai đoạn giữa nhiệm kỳ sẽ giúp cho vấn đề đang bị “lãng quên” tiếp tục được xem xét, đôn đốc giải quyết, đáp ứng ngay nguyện vọng của cử tri. Tất cả các thành viên Chính phủ cùng Thủ tướng Chính phủ tham gia trả lời chất vấn cho thấy, rõ ràng đây là một Chính phủ trọng dân, vì dân, đúng theo quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ.
Vừa qua, Quốc hội đổi mới chất vấn theo hình thức hỏi nhanh đáp gọn, tranh luận đến cùng. Sau khi áp dụng, bà thấy hiệu quả chất vấn được thay đổi thế nào?
Tiếp tục chất vấn kiểu “hỏi nhanh - đáp gọn” Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ bắt đầu vào chiều mai (30/10), kéo dài đến hết ngày thứ năm (1/11). Việc chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục thực hiện theo hình thức hỏi nhanh - đáp gọn. Theo đó, các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Điều này có nghĩa là bất cứ thành viên Chính phủ nào cũng trả lời nếu ĐBQH chất vấn. |
Tôi thấy qua việc đổi mới chất vấn, dù chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng ảnh hưởng của nó tương đối lớn, hiệu quả cao. Bản thân ĐBQH chuẩn bị câu hỏi chỉ trong 1 phút cũng rất khó nên phải đầu tư, suy nghĩ, lựa chọn từng từ ngữ ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để cử tri nghe dễ hiểu. Bộ trưởng cũng dễ nắm vấn đề khi câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch. Nhờ vậy, chất lượng câu hỏi tăng, không còn tình trạng trình bày dài dòng, số lượng người được hỏi cũng tăng lên.
Việc bộ trưởng trả lời 3 câu hỏi trong vòng 9 phút cũng tránh tình trạng bộ trưởng quá chú trọng vào chất vấn của đại biểu này mà “bỏ quên” chất vấn của đại biểu khác. Bởi sau đó, dù cho bộ trưởng trả lời bằng văn bản thì hiệu quả và độ quan tâm giải quyết khi trả lời bằng văn bản lại không được như ĐBQH mong muốn.
Khi đổi mới chất vấn, bản thân các bộ trưởng cũng rất áp lực. Trả lời sao cho ngắn gọn trong khoảng thời gian Quốc hội quy định, mà vẫn đầy đủ thông tin, đáp ứng yêu cầu của ĐBQH. Việc này đòi hỏi bộ trưởng phải nắm vững vấn đề, số liệu rồi chọn cách diễn đạt logic như một cuộc thi vấn đáp. Người chấm thi ở đây không chỉ có các ĐBQH mà trên sóng trực tiếp, cử tri cả nước cũng theo dõi và có đánh giá đối với bộ trưởng.
Cũng qua việc chất vấn, trả lời chất vấn như vậy, cử tri hiểu, chia sẻ khó khăn và thông cảm với các bộ trưởng, các ngành trong việc giải quyết những vấn đề đại biểu chất vấn.
Coi giải quyết kiến nghị cử tri là cơ sở đánh giá công việc của bộ trưởng
Là nơi tiếp xúc gần gũi với nguyện vọng của cử tri nhất, bà thấy cử tri đánh giá thế nào về trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành thời gian gần đây?
Cử tri đánh giá rất cao sự nỗ lực của các bộ trưởng trong thực hiện các vấn đề mà cử tri chất vấn qua việc gửi gắm tiếng nói của ĐBQH. Ví dụ, chất vấn ngay tại hội trường, sau vấn đề ĐBQH chất vấn thì việc thực hiện, giải quyết cũng đã được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, 100% các ý kiến tập hợp qua các cuộc tiếp xúc ý kiến cử tri được trả lời, khác hẳn mảng khiếu nại tố cáo với số lượng trả lời rất ít. Đặc biệt, tỷ lệ được giải quyết kiến nghị cử tri thời gian qua đạt cao nhất từ trước đến nay, khi tất cả các bộ trưởng đều nỗ lực giải quyết.
Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri hôm khai mạc kỳ họp, bà cho biết có nhiều văn bản trả lời cử tri nội dung rất chung chung, gần 80% các kiến nghị được trả lời ở dạng cung cấp thông tin, hoặc trích dẫn các quy định đã có sẵn, chỉ có 5,14% kiến nghị được tiếp thu để giải quyết. Con số này nói lên điều gì, thưa bà?
Thực tế, việc trả lời chung chung có 2 nguyên nhân. Một phần do các bộ, ngành né tránh những việc tồn đọng. Ví dụ, cử tri hỏi về một vấn đề, lẽ ra phải tổ chức thanh, kiểm tra xử lý vi phạm thì lại trả lời sẽ tiếp thu, sẽ xem xét vấn đề đó trong thời gian tới, nhưng thời gian xem xét bao lâu thì không đề cập đến. Cái kiến nghị đó là kiến nghị phải giải quyết chứ không phải kiến nghị để tiếp thu hay thông tin giải trình. Có thể có những kiến nghị nêu văn bản, nghị quyết đã có rồi nhưng chính những văn bản, nghị quyết đó lại có bất cập phải xem xét.
Báo cáo của Ban Dân nguyện nêu rõ ví dụ tồn tại ở từng bộ. Nhiều người nói liệu báo cáo trình trước Quốc hội có nên nêu ví dụ cụ thể, nêu tên từng bộ, ngành như vậy không? Tôi cho rằng, những vấn đề chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng lại có tầm ảnh hưởng rất lớn. Một ví dụ rất nhỏ có địa chỉ đích danh được chúng tôi nêu lên trước Quốc hội sẽ khiến các bộ, ngành khác lo ngại, lo bị nêu tên. Bởi vậy, nó có tác dụng tích cực làm cho các bộ, ngành khác chỉn chu hơn, cẩn thận hơn trong việc trả lời kiến nghị của mình.
Càng tìm ra ít lỗi của các bộ chúng tôi càng vui, vì nó cho thấy việc trả lời, giải quyết kiến nghị của dân đã đạt chất lượng cao hơn.
Một thực tế là trong cả báo cáo kiến nghị cử tri và cả các phiên chất vấn, có một số nội dung được kiến nghị và chất vấn lại rất nhiều lần, nhưng kỳ sau vẫn tiếp tục được nhắc lại. Vì sao có tình trạng này, thưa bà?
Vì đó là những vấn đề động chạm đến số đông người dân, ảnh hưởng tới rất nhiều người. Bên cạnh đó, việc giải quyết của bộ, ngành, của Chính phủ cũng có thời gian nhất định, ví dụ như việc kiến nghị về đường sá xuống cấp sẽ còn tồn tại trong thời gian dài vì nguồn lực của chúng ta không đủ sửa hết ngay những con đường hay xây nên những con đường mới… Bởi vậy, những vấn đề như thế sẽ lặp đi, lặp lại.
Hoặc vấn đề về chế độ chính sách, tiền lương, bảo hiểm cũng là vấn đề sẽ lặp đi, lặp lại.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân chủ quan do trình độ năng lực của cán bộ, hoặc trong công tác thực hiện vẫn còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm nên không giải quyết dứt điểm được vấn đề.
Trước đây, có kiến nghị coi việc giải quyết kiến nghị cử tri làm cơ sở đánh giá trách nhiệm hoàn thành công việc các bộ trưởng, trưởng ngành. Kiến nghị này đã được tiếp thu, áp dụng chưa, thưa bà?
Cử tri muốn gửi gắm tới Quốc hội là qua việc trả lời chất vấn, qua việc thực hiện các vấn đề cử tri nêu, ĐBQH sẽ lấy đó làm cơ sở đánh giá một cách chính xác trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Về việc này, tôi đã có trao đổi với bên phía Chính phủ và được biết, Chính phủ đang tổ chức triển khai và sẽ có quy trình đánh giá. Quy trình này có nhiều tiêu chí, ví dụ như tiêu chí tiếp công dân, giải quyết kiến nghị cử tri…
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận