Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại cuộc họp với lãnh đạo TP. Móng Cái (Quảng Ninh) vừa kết thúc cách đây ít phút. Theo đó, TP. Móng Cái phải di dời 1.963 hộ dân để đối phó với cơn bão số 2, tức bão Rammasun theo tên gọi quốc tế.
Diễn biễn bão Rammasun - Cơn bão số 2
Cây đổ rạp khi bão Rammasun ập vào thành phố Văn Xương ngày 18/7. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác sơ tán dân trước bão Rammasun phải đặt lên hàng đầu. Có thể phải làm cả trong đêm vì bão đã đến rất gần, Thanh niên đưa tin
"Không nhất thiết phải đưa người dân vào một chỗ. Tốt nhất là hàng xóm sang nhà hàng xóm. Chúng ta phải di dân trước bão. Nếu không bão đến, chỉ có xe bọc thép mới có thể cứu người dân", Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành ủy TP. Móng Cái cho biết toàn thành phố đang huy động lực lượng giúp người dân sơ tán khỏi những nhà tạm, nhà cấp 4 không kiên cố, nhà mái tôn mất an toàn trên toàn thành phố.
Chiều nay 18/7, TP. Móng Cái chỉ cưỡng chế 28 hộ dân ở khu vực rất nguy hiểm sơ tán đến nơi an toàn. Tuy nhiên, trong cuộc họp vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu thành phố phải di dời 1.963 hộ dân.
Tại phường Hải Hòa, số nhà phải di dời nhiều nhất, khoảng 80% số hộ gia đình.
Đây là lần đầu tiên trong 38 năm trở lại đây TP. Móng Cái phải sơ tán dân với quy mô lớn.
Riêng những cư dân đang sinh sống tại ven đê Hải Xuân, mực nước sông hiện tại chưa dâng cao, do đó, chỉ chuẩn bị các phương án di dân khi có lũ tràn về.
Công tác sơ tán dân được thực hiện từ 17 giờ, dự tính đến 22 giờ đêm nay sẽ có trên 50% số dân cư được di dời.
Ông Lê Ngọc Lưu, Phó chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho hay đến 21 giờ đã có 1.292 tàu thuyền trên toàn thành phố đến nơi neo đậu an toàn.
Rammasun càn quét Hải Nam (Trung Quốc), ít nhất một người chết
TTXVN đưa tin, hồi 15h30 chiều 18/7 theo giờ địa phương, siêu bão Rammasun đã đổ bộ vào thành phố Văn Xương, thuộc tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Chính quyền địa phương cho biết, bão càn quét với sức gió lên tới 216 km/h, làm ít nhất 1 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị phá hủy. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra thiệt hại do cơn bão gây ra.
Rammasun được cho là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào tỉnh Hải Nam trong 40 năm qua. Hơn 70.00 người dân đã được đưa đi sơ tán tránh bão. Giới chức tỉnh đã chỉ đạo đóng cửa toàn bộ sân bay, nhà ga, trạm xe buýt và cảng biển cũng như ngưng mọi hoạt động đường thủy.
Hơn 6.900 hành khách đã bị ảnh hưởng do 184 chuyến bay bị hoãn. Ngoài ra, sở du lịch địa phương cũng yêu cầu tất cả các khu nghỉ dưỡng và các công ty điều hành xe buýt tham quan phải đóng cửa từ 13 giờ ngày 18/7 đến 16 giờ ngày 19/7.
Theo Cơ quan dự báo khí tượng Trung Quốc, siêu bão Rammasun sẽ tiếp tục hoành hành trong hai ngày cuối tuần, trước khi bắt đầu suy yếu vào ngày 21/7. Cơ quan này cũng cảnh báo siêu bão có thể tiếp tục đổ bộ vào các khu vực duyên hải của Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây, Tây Nam Trung Quốc vào tối 18/7. Tại tỉnh Quảng Đông và Vân Nam cũng sẽ có mưa lớn trong 2 ngày tới.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 22 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Dự báo trong 12 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Như vậy khoảng gần sáng và sáng mai (19/7) vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung. Đến 10 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Trong 12 đến 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,9 độ Vĩ Bắc; 102,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5 – 6 mét. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Các nơi khác ở đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng. Đây là một cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo. |
PV (Tổng hợp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận