Không ghi nơi sản xuất, Pepsico vi phạm quy định ghi nhãn hiệu |
Vừa qua, tại hội thảo về Chất lượng nước giải khát đóng chai do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCVN, Bộ KHCN), ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (TCVN) cho biết: Kết quả khảo sát cho thấy, nước giải khát đóng chai trên thị trường hiện nay, chủ yếu vi phạm về nhãn hàng hóa và chất lượng theo quy chuẩn.
Cụ thể, trong năm 2016, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã khảo sát 19 mẫu các loại nước giải khát như: Nước cam ép, nước chanh, nước tăng lực, nước ổi, nước dứa... Kết quả cho thấy: 15/19 mẫu (bằng 78,9% số mẫu được khảo sát) sai về nhãn hàng hóa; 2/19 mẫu (khoảng 10,5%) không đạt chất lượng về chỉ tiêu vi sinh.
Liên quan đến vi phạm về nhãn hàng hoá, Pepsi là một trong những doanh nghiệp có biểu hiện này. Bằng chứng là trên nhãn mác các sản phẩm của mình, Pepsi chỉ đề: “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM”.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với Luật sư Trịnh Văn Thắng – Đoàn luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa luật sư, việc ghi nhãn đối với các sản phẩm của Pepsico như vậy là đúng hay sai?
LS Trịnh Văn Thắng: Việc ghi nhãn đối với các sản phẩm của Pepsico như trên là chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam về ghi nhãn hiệu. Cụ thể: tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 89/2006/NĐ – CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm:
“a) Tên hàng hoá;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;c) Xuất xứ hàng hoá.”Đối với ghi tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đã được hướng dẫn cụ thể tại điều 14 của Nghị định này như sau: “1. Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó.……………………
”Điều này cũng được hướng dẫn cụ thể tại mục 2 khoản 3 Thông tư 09/2007/TT – BKHCN hướng dẫn một số điều của nghị định 89/2006/NĐ – CP:
“3. Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá …………………
b) Trường hợp sản phẩm, hàng hóa được sản xuất ngay tại nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn ghi tên và địa chỉ cơ sở sản xuất theo đăng ký kinh doanh.
c) Trường hợp sản phẩm, hàng hoá được sản xuất tại các địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn phải ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra sản phẩm, hàng hoá đó.”
Bên cạnh đó, tại Điều 17 của Nghị định này có quy định về việc ghi xuất xứ hàng hóa như sau : “Cách ghi xuất xứ hàng hoá được quy định như sau: ghi "sản xuất tại" hoặc "chế tạo tại" hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hoá đó.
Đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hoá đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá.”
Như vậy, theo các quy định trên việc Pepsico chỉ đề: “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM” là chưa đáp ứng được các nội dung bắt buộc phải có trên nhãn mác sản phẩm bởi lẽ các sản phẩm nước giải khát này không phải chỉ được sản xuất tại nơi đăng ký kinh doanh mà còn có thể được sản xuất tại các địa điểm không đăng ký kinh doanh.
Hơn thế nữa, Pepsico có rất nhiều chi nhánh tại các tỉnh thành trên cả nước cùng sản xuất một sản phẩm, vì vậy, cần phải ghi rõ là sản phẩm nước giải khát nào được sản xuất tại cơ sở sản xuất nào, nhà máy nào. Việc ghi rõ cơ sở sản xuất này nếu được thể hiện trong việc ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thì không cần phải ghi xuất xứ hàng hóa nữa. Nếu chưa ghi cụ thể thì phải ghi xuất xứ hàng hóa tức là “địa điểm, tên của cơ sở trực tiếp sản xuất nước giải khát đó”. Tuy nhiên, cả hai điều này Pepsico đều chưa thực hiện được.
Do đó, Pepsico đã vi phạm điều 14 và điều 17 của Nghị định 89/2006/NĐ – CP của Chính phủ về nhãn hàng.
PV: Vậy chế tài xử lý vi phạm này được quy định như thế nào, thưa ông?
LS Trịnh Văn Thắng: Đối với việc không tuân thủ đúng quy định về việc ghi nhãn hàng hóa như trên, Pepsico có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của mình theo điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đó là:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
a) Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;”.
Trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng trở lên, thì tổ chức vi phạm có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 15.000.000 đồng (khoản 2 điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP).
PV: Đã từng có doanh nghiệp vi phạm lỗi tương tự như thế này họ giải thích: “Công ty họ phải chịu trách nhiệm về các sản phẩm của công ty, vì vậy chỉ cần đề tên công ty và trụ sở của công ty là đủ, không cần ghi nơi sản xuất. Việc in rõ sẽ khiến công ty gặp khó khăn trong việc in nhãn mác khi cùng một sản phẩm nhưng có thể được sản xuất ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam”. Dưới góc độ một chuyên gia về luật, luật sư có đánh giá như thế nào về ý kiến này?
LS Trịnh Văn Thắng: Tôi cho rằng việc giải thích trên của doanh nghiệp là chưa thuyết phục bởi lẽ: việc pháp luật quy định phải ghi rõ tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất đối với từng sản phẩm là nhằm có thể quản lý tốt hơn theo hệ thống chất lượng, quy trình sản xuất đối với các sản phẩm trên thị trường. Từ đó, khi xảy ra vi phạm có thể dễ dàng tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập thông tin làm cơ sở để xử lý vi phạm.
Mặt khác, về phía công ty, nhà sản xuất khi ghi đầy đủ các thông tin về cơ sở sản xuất cũng có lợi rất nhiều trong hoạt động kinh doanh của mình. Việc ghi đầy đủ các thông tin theo quy định cũng là đang bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính công ty mình bởi vì trên thị trường hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày một đa dạng, phong phú với hình thức, mẫu mã ngày càng tinh vi và khó phân biệt hơn. Hầu hết các loại hàng giả, hàng nhái này đều không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, tên địa chỉ cơ sở sản xuất là ở đâu.
Việc ghi đầy đủ các thông tin trên không chỉ nhằm phân biệt với hàng giả hàng nhái, mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi có sự khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm do dùng phải hàng giả hàng nhái mà không biết, công ty, nhà sản xuất có thể dựa vào nhãn hàng hóa để chứng minh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Ngoài ra, khi ghi đầy đủ tên, địa chỉ cơ sở sản xuất cũng giúp công ty đó quản lý hệ thống các chi nhánh, đại lý của mình một cách có hệ thống hơn. Khi có sự vi phạm trong việc sản xuất sản phẩm kém chất lượng của một cơ sở ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của toàn công ty. Công ty có thể dựa vào nhãn hàng hóa để tìm ra được cơ sở nào vi phạm, đồng thời cũng làm nền tảng cho việc thu hồi sản phẩm đó trên thị trường.
PV: Theo quan điểm của luật sư thì việc ghi thông tin trên nhãn mác như trên có ảnh hưởng như thế nào tới quyền lợi người tiêu dùng?
Luật sư Trịnh Văn Thắng: Như tôi đã phân tích ở trên, việc ghi đầy đủ thông tin trên nhãn mác theo quy định vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp không ghi đầy đủ các thông tin như quy định trên nhãn mác trước hết sẽ có ảnh hưởng tới uy tín, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ không quảng bá được sản phẩm của mình.
Về phía người tiêu dùng: Do thông tin không được thể hiện đầy đủ trên nhãn mác nên người tiêu dùng có thể không phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong trường hợp phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định, do trên sản phẩm không thể hiện đầy đủ các thông tin nên người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc khiếu nại, đề nghị đơn vị sản xuất … đổi trả sản phẩm, bồi thường thiệt hại.
PV: Trong sự việc này nói riêng và đối với những doanh nghiệp không tuân thủ quy định về nhãn mác thì cơ quan nào sẽ phải vào cuộc để xử lý thưa luật sư?
Luật sư Trịnh Văn Thắng: Tại Điều 24 Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa như sau:
“Các cơ quan công an nhân dân, hải quan, quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hoá, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về nhãn hàng hoá được quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.”
Như vậy, pháp luật trao quyền xử lý hành vi ghi thông tin không đúng trên nhãn mác cho nhiều cơ quan bao gồm: Cơ quan công an nhân dân, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan hải quan, cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa, thanh tra chuyên ngành … Khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm như trên thì bất cứ cá nhân, tổ chức nào đều có quyền đề nghị các cơ quan trên vào cuộc để xử lý.
Xin cảm ơn luật sư!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận