Phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 14/1 |
Sáng 14/1, phiên họp thứ 44 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo luật Tiếp cận thông tin.
Một trong những băn khoăn được nhiều ý kiến trong uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến là việc cần có quy định rõ hơn về việc cung cấp hay không cung cấp những thông tin thuộc bí mật nhà nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân.
"Cụ thể, nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Hiện nay, về tài liệu mật ở nước ta được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp. Bởi vì, theo quy định của Hiến pháp thì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật", ông Phan Trung Lý phân tích và đề nghị có Luật bảo vệ bí mật Nhà nước để khắc phục tình trạng này.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình với quan điểm đó, bởi đây là luật về thông tin, còn bảo vệ là chuyện khác. “Phải chờ một luật khác thì hóa ra luật này không có giá trị gì", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và nhấn mạnh thêm rằng, luật Tiếp cận thông tin thì vấn đề quan trọng nhất là nói rõ thông tin gì được tiếp cận, thông tin gì bị hạn chế, tiếp cận một nửa hay không được tiếp cận. Những điều này đã được quy định trong các pháp lệnh, nghị định rồi, tại sao không đưa vào luật này mà phải chờ một luật khác?
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: "Dự thảo luật có quy định tất cả những thông tin không phải là mật, đã được giải mật, thì mọi công dân có quyền tiếp cận, nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp. Còn việc giải mật và tiếp cận các văn bản mật là thuộc về luật Bảo vệ bí mật nhà nước".
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt lại vấn đề: "Nghĩa là văn bản nào không muốn công khai thì cứ đóng dấu mật là xong? Vì anh mở cửa cho người ta cái quyền đóng dấu mật".
"Luật này phải nói rõ loại thông tin nào không được mật, phải giải mật, là những thông tin tự do, không ai được đóng dấu mật vào. Nếu anh vẫn để một cái cửa cho người ta đóng dấu mật thì còn đâu giá trị của luật này nữa, vẫn cấm người dân tiếp cận thông tin" – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết luật Bảo vệ bí mật nhà nước đang được xây dựng theo đúng lộ trình với những tư duy mới và sẽ giải quyết được vấn đề này.
Còn về những thông tin được cung cấp, Bộ trưởng Tư pháp vẫn cho rằng chỉ cấp xã mới phải cung cấp tất cả những thông tin mình có, các cơ quan nhà nước chỉ cung cấp những thông tin do mình tạo ra.
"Ngoài việc để đảm bảo tính chính xác và khả thi, còn là để tránh lạm dụng. Trong người dân, có những trường hợp khiếu nại, tố cáo gay gắt, hay gặp việc yêu cầu cung cấp một thông tin như nhau nhưng nhiều lần ở nhiều cơ quan khác nhau. Việc quản lý thông tin của chúng ta chưa thực sự hiện đại, rất rủi ro, nhất là ở những thời điểm như chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm...", ông Hà Hùng Cường phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận