Phóng viên Báo Giao thông tiêm vaccine phòng Covid-19
Khá bất ngờ khi ở ngay giai đoạn đầu của đợt sóng Covid-19 lần thứ tư, 2 bác sỹ và một số nhân viên tại các bệnh viện tại Hà Nội đã nhiễm SARS-CoV-2. Có tới 6 cơ sở bệnh viện bị phong tỏa toàn bộ hoặc từng khoa.
Nhiều người cho rằng, để chiến thắng Covid-19, bệnh viện là thành trì nhất quyết phải giữ. Tuyệt đối không để lặp lại tình huống ngoài xã hội, dịch bệnh chưa tấn công mà nhiều nơi điều trị và bác sỹ đã bị cách ly.
Nhưng giữ cách nào khi nguy cơ lây nhiễm với bác sỹ, y tá và nhân viên y tế luôn cao hơn người thường rất nhiều, đặc biệt là ở các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19? Tỷ lệ này ở đâu cũng vậy, không chỉ ở Việt Nam.
Tiêm vaccine là một giải pháp rất nhiều nước đã lựa chọn. Rất tiếc là đến thời điểm dịch bệnh bùng phát này, phần lớn bác sỹ của ta chưa tiêm mũi thứ hai, tức là chưa có đủ khả năng miễn dịch với Covid-19.
Khi mà các bác sỹ còn chần chừ chưa tiêm hoặc chậm được tiêm thì thật khó thuyết phục người dân tiêm vaccine. Và điều này có thể sẽ kéo dài hơn trận chiến với Covid-19.
Rất nhiều người tôi quen không hề vui mừng khi nghe tin Hà Nội sẽ tiêm miễn phí cho người dân từ 18-65 tuổi. Ngược lại, họ nghi ngờ, lo lắng và không sẵn sàng tiêm chủng.
Liệu có gặp rủi ro khi tiêm vaccine, nhất là với Astra Zeneca? (Rất nhiều nước chỉ tiêm loại này cho người trên 40 tuổi). Đây là câu hỏi vô cùng chính đáng.
Nhưng liệu có con đường nào khác ngoài tiêm chủng để chiến thắng dịch bệnh?
Theo Tân hoa xã, Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng 40% dân số vào tháng 6 năm nay. Để người dân tự nguyện tham gia và tin tưởng hơn vào vaccine nội địa, Trung Quốc có nhiều hình thức khuyến khích người dân đi tiêm phòng.
Mỹ thì đặt mục tiêu đến tháng 7 sẽ có 70% người trưởng thành được tiêm vaccine.
Ở Anh, Đức, AstraZeneca (loại vaccine Việt Nam đang tiêm và nhận được nhiều phản ứng lo ngại từ người dân) vẫn đang được tiêm chủng rộng rãi cho người dân trên 40 tuổi dù Đan Mạch dừng tiêm loại này.
Tại Việt Nam, mới có gần 700 nghìn người trên 98 triệu dân được tiêm vaccine, thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Chúng ta không thể đóng cửa được mãi.
Chậm triển khai chiến lược tiêm vaccine, Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả về kinh tế. Bởi chỉ 6 tháng đến 1 năm nữa thôi, nhiều quốc gia sẽ đạt miễn dịch cộng đồng và mở cửa giao lưu kinh tế trong khi chúng ta vẫn loay hoay gồng mình khoanh vùng, truy vết F0 và hạn chế sản xuất, kinh doanh.
Rất cấp thiết, Bộ Y tế cần hướng dẫn và đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu được mục tiêu của việc tiêm chủng.
Tiêm hay không là lựa chọn của mỗi người nhưng Chính phủ và các cơ quan ban ngành bằng tầm nhìn và bộ máy của mình hoàn toàn có thể thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Thay đổi bằng cách nào?
Cần chiến lược, mục tiêu rõ ràng về tiêm vaccine phòng Covid-19. Cần bao nhiêu phần trăm dân số được tiêm, vào thời điểm nào? Cần quyết tâm chính trị rất cao và huy động mọi nguồn lực để làm bằng được. Kể cả kêu gọi doanh nghiệp và người dân chung tay.
Bảo vệ người tiêm phòng bằng nỗ lực tối đa, từ việc lựa chọn nguồn vaccine; giảm các nguy cơ rủi ro trong bảo quản vận chuyển, trong xử lý sốc phản vệ, trong khám sàng lọc trước tiêm. Đặc biệt cần khuyến cáo lứa tuổi tiêm phòng phù hợp với từng loại thuốc.
Truyền thông để người dân hiểu rõ lợi ích của chiến dịch tiêm chủng và cùng nhau vượt qua đại dịch.
Chúng ta có thể lựa chọn không tiêm khi nguy cơ lây nhiễm trong nước chưa cao nhưng xét về lâu dài tiêm phòng là việc không thể không làm. Làm sớm sẽ giúp đất nước sớm miễn dịch cộng đồng, giảm nguy cơ vỡ thế trận phòng thủ về y tế khi các ca nhiễm khiến hệ thống bệnh viện quá tải.
Vaccine có hạn sử dụng ngắn, có thể thừa lúc này nhưng lại rất thiếu lúc khác, trong bối cảnh chúng ta đang không có đủ vaccine như dự kiến thì cần nhanh chóng tiêm phòng cho lực lượng tuyến đầu.
Tránh tình trạng hoang mang, lo ngại, từ chối tiêm chủng do công tác chuẩn bị triển khai chưa tốt, do truyền thông chưa thuyết phục được người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận