Xe bồn của Công ty CPNĐ Minh Đạt đậu chắn cửa Trạm BOT Nam Bình Định hôm 10/12. (Ảnh: Đất Việt) |
Mới đây nhất là vụ doanh nghiệp (DN) dùng xe bồn chặn Trạm thu phí BOT Nam Bình Định để đòi nợ, người dân mang xế hộp chặn trước Trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy I...
Kiểu hành xử trên giống như “luật rừng”, không thể chấp nhận vì bất kỳ lý do gì. Tuy nhiên, các hành vi trên lại đang được coi như bình thường. Chính vì vậy, tình trạng người dân, DN chặn trạm thu phí BOT để phản đối việc thu phí xuất hiện ngày càng nhiều, dẫn đến hệ quả là tình hình an ninh trật tự tại địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc lưu thông của người dân bị ngưng trệ. Ngoài ra, chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong việc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân vào các công trình giao thông cũng bị suy diễn sai lệch.
Con đường, cây cầu dù doanh nghiệp đầu tư hay Nhà nước đầu tư đều là tài sản quốc gia. Việc một nhóm người tự ý ra chắn đường, cản trở lưu thông là cản trở quyền đi lại của người khác, gây thiệt hại cho nền kinh tế, gây mất an ninh trật tự. Những hành vi vi phạm này đều đã được pháp luật quy định. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể xử lý hình sự, nhẹ thì xử phạt hành chính.
Nhìn lại hiện tượng trên, các cơ quan có thẩm quyền cần rốt ráo vào cuộc làm rõ: Một mặt xem xét, giải quyết thấu đáo lý, tình, nguyện vọng của người dân; Đồng thời, điều tra xử lý nghiêm hành vi lợi dụng cản trở giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, mới có thể xử lý tận gốc vấn đề.
Ở một đất nước pháp luật được coi trọng, người dân nếu không đồng tình với quyết định của chính quyền hoặc thấy sự việc chướng tai, gai mắt có thể gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc có thể khởi kiện ra tòa án. Ngược lại, hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm, kịp thời. Như vậy, pháp luật mới được tôn trọng, quyền lợi chính đáng của người dân và DN mới được bảo vệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận