Theo quy luật, ngày 1/1 hàng năm, TNGT và thương vong do TNGT tại hầu hết các nước trên thế giới có tỷ lệ lớn nhất.
Tuy nhiên, trong hai ngày 1 và 2/1 vừa qua, tại Việt Nam bình quân chỉ có 18 người/ngày, trong khi so với năm 2019 bình quân là 21 người/ngày. Kết quả ban đầu này cho thấy ngược với quy luật của thế giới.
Có được kết quả trên là do sự ra quân đồng loạt của lực lượng công an và lực lượng chức năng trong toàn quốc thực hiện Nghị định 100/2019/ NĐ-CP và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đã tạo nên dấu ấn về việc đảm bảo ATGT, giúp kéo giảm TNGT. Đây là kết quả ban đầu nhưng rõ ràng Nghị định 100 đã có tác động tích cực và cần tiếp tục duy trì kết quả này.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia chiếm khoảng 68%, trong đó khoảng 40% người say rượu, bia vẫn tự lái xe về nhà với tỷ lệ vi phạm Luật GTĐB rất cao, khoảng 36%. Vì vậy, giải pháp đưa người sau khi đã uống rượu, bia về nhà được xem là giải pháp tốt giúp giảm TNGT liên quan đến hành vi này.
Có rất nhiều lựa chọn để người dân có thể uống rượu, bia mà không phải lái xe như có thể đi nhờ, cắt cử một vài người không uống rượu để chở những người khác về nhà; nhờ người thân đưa đón; hoặc thay vì uống rượu, bia tại một quán xa nhà, chúng ta nên tìm một nơi gần để có thể đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng. Nếu tổ chức sự kiện, có sử dụng nhiều rượu, bia, đơn vị tổ chức bổ sung luôn chi phí đi lại bằng xe công cộng cho từng người hoặc thuê xe cho mọi người thì rủi ro TNGT gần như không có.
Cơ quan chức năng cũng cần kiên trì đầu tư, phát triển không gian đi bộ và các loại hình vận tải công cộng cung cấp nhiều lựa chọn đi lại sau khi sử dụng rượu, bia là hết sức cần thiết để hỗ trợ, dẫn dắt quá trình thay đổi ý thức một cách nhanh hơn.
Chúng ta đang sống trong môi trường cơ cấu phương tiện đi lại rất bất hợp lý, lệ thuộc lớn vào xe cá nhân trong khi phương thức vận tải công cộng còn rất hạn chế. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Như đã nói ở trên, có tới gần 70% khách hàng tiếp tục lái xe sau khi uống rượu, bia, dù biết là sai. Các thành viên trong gia đình thấy người nhà say nhưng vẫn không ngăn cản.
Nhưng những thói xấu trên không phải bất biến. Tại các quốc gia phát triển ở thập kỷ 70 - 80, lái xe say xỉn là vấn nạn rất lớn. Sau nhiều thập kỷ mạnh tay xử phạt đi kèm tuyên truyền rộng rãi, ý thức người dân mới thay đổi. Nhưng để có kết quả, chúng ta phải kiên trì và quyết tâm, không thể một sớm một chiều.
Văn hóa rượu, bia là vấn đề tồn tại đã lâu, nhưng nếu chúng ta chỉ tập trung vào phần ngọn thì sẽ không thể giải quyết triệt để. Ta cần chăm chút phần gốc, thông qua việc đào tạo ý thức, tăng nhận thức về trách nhiệm xã hội, bình đẳng giới (để phụ nữ có tiếng nói phản bác hành vi rượu, bia ngay nếu cần), kiểm soát tác hại rượu, bia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận