Hỏi:
Hiện nay, trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn lực lượng CSGT lập chốt kiểm tra rất nhiều xe nhưng chỉ phát hiện một vài trường hợp vi phạm. Xin hỏi, nếu tôi điều khiển xe tuân thủ quy định thì lực lượng CSGT có quyền kiểm tra nồng độ cồn không?
Nguyễn Thế Trình (Bắc Ninh)
CSGT Quảng Ninh kiểm tra nồng độ cồn lái xe ô tô (ảnh minh họa).
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời:
Theo Thông tư 65/2020 của Bộ Công an, dù người tham gia giao thông không vi phạm nhưng CSGT vẫn có quyền yêu cầu người đó dừng xe để kiểm soát trong một số trường hợp.
Cụ thể, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được phê duyệt.
Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác.
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện.
Khi tiến hành tuần tra kiểm soát, CSGT hoàn toàn có quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm (theo điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA).
Như vậy, dù lái xe đúng luật thì CSGT vẫn có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe và thổi nồng độ cồn trong trường hợp thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát hoặc có tin báo, phản ánh.
Như phân tích, dù không vi phạm nhưng CSGT vẫn có quyền yêu cầu tài xế thổi nồng độ cồn. Nếu không chấp hành, người tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167 với mức phạt từ 2-3 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận