Thời sự Quốc tế

Khủng hoảng nhân sự hàng không toàn cầu, có nơi phải nhờ cả quân đội hỗ trợ

Nhu cầu đi lại tăng cao sau dịch Covid-19 đã gây áp lực lên ngành hàng không thế giới vốn đang thiếu nhân sự trầm trọng.

Chậm trễ, hủy chuyến vì thiếu nhân sự

Có nhiều yếu tố tác động tới tình trạng hỗn loạn trong vận tải hành khách hàng không như: tình hình dịch tiến triển tốt cho phép các quốc gia mở cửa trở lại, thiếu nhân sự do hàng trăm nghìn nhân viên công tác trong ngành hàng không, từ phi công cho tới tổ bay, nhân viên mặt đất, đã tạm nghỉ do ảnh hưởng của đại dịch.

Tại Australia, hành khách mất nhiều giờ chờ đợi tại sân bay Sydney để làm thủ tục.

Ấn Độ và châu Âu cũng ghi nhận tình trạng hỗn loạn, như hãng Deutsche Lufthansa AG buộc phải hủy hàng trăm chuyến bay.

Các chuyên gia nhận định ngành hàng không thế giới đang không đủ nhân sự để đảm bảo vận hành thông suốt, kể cả trong trường hợp chưa rõ nhu cầu đi lại tăng cao vào thời điểm hiện tại có giảm trong thời gian tới hay không.

img

Du khách tập trung tại sân bay Geneva, Thụy Sĩ trong tuần này do tình trạng hoãn chuyến bay do lỗi kỹ thuật. Ảnh - EPA-EFE

“Thời điểm này, tất cả sân bay và các hãng hàng không đều thiếu nhân sự", ông Geoff Culbert - Tổng giám đốc điều hành (CEO) sân bay Sydney, nơi một nửa trong số 33.000 lao động mất việc trong đại dịch Covid-19, cho biết.

Tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng đã dẫn tới hoãn hủy chuyến, gây bức xúc cho cả các hãng hàng không và hành khách tại nhiều quốc gia. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại cuộc họp thường niên lần thứ 78 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế khai mạc tại Doha, Qatar ngày 19/6.

Tình trạng thiếu nhân sự còn nghiêm trọng đến nỗi CEO hãng bay Ireland Ryanair Holdings Plc - ông Michael O’Leary phải đề nghị quân đội Anh trợ giúp.

Hãng Qantas Airways Ltd. của Australia phải huy động nhân viên văn phòng làm tình nguyện viên tại sân bay trong giai đoạn cao điểm vào kỳ nghỉ tháng 7.

Tuần trước, ông Jens Ritter, CEO hãng hàng không Đức Lufthansa, cho biết tình trạng thiếu nhân sự khiến hãng gặp khó khăn trong việc vận hành theo kế hoạch, duy trì chất lượng và đúng giờ như đã cam kết với khách hàng, đồng thời xin lỗi về tình trạng hủy chuyến của hãng tại các thành phố Munich và Frankfurt của Đức.

Lý do khiến hàng không khó tuyển dụng

Một trong những lý do khiến hoạt động tuyển dụng gặp khó là vì người lao động không còn mặn mà với ngành hàng không.

“Nhiều người đã thôi việc trong ngành hàng không trong đại dịch để tìm kiếm việc làm khác. Hiện đối tác của chúng tôi gồm các sân bay, các nhà cung cấp dịch vụ đang thiếu nhân sự và gặp khó khăn trong việc thuê nhân sự mới” - ông Jens Ritter, CEO hãng hàng không Đức Lufthansa, cho hay.

Các sân bay đang cố khôi phục hoạt động, nhưng theo ông Culbert, sân bay đã không còn là nơi làm việc hấp dẫn như trước bởi người lao động lo ngại về tính ổn định.

Theo ông Culbert, nhiều lao động mất việc trong giai đoạn đại dịch đã chuyển sang các lĩnh vực khác và rất khó để thuyết phục họ quay trở lại.

Nhiều nơi như Sân bay Changi, Singapore đang tuyển dụng 6.600 lao động, từ nhân viên an ninh cho tới nhân viên phục vụ, đã đưa ra chế độ, ưu đãi cao nhưng vẫn gặp khó.

Certis Group, đơn vị cung cấp nhân viên an ninh cho các tổ chức, công ty tại Singapore đã đề nghị mức thưởng 18.000 USD - cao gấp 10 lần so với mức lương cơ bản hàng tháng, cho nhân viên đăng ký mới ởvị trí cảnh sát hỗ trợ kiểm soát đám đông, lưu thông tại sân bay.

Một thách thức khác cản trở quá trình tuyển dụng nhân sự của các hãng bay, sân bay là công tác rà soát sơ yếu lý lịch. Chẳng hạn hãng British Airways đang chật vật để xét duyệt 3.000 ứng cử viên và hiện vẫn kẹt lại ở giai đoạn kiểm tra lý lịch.

Hãng bay easyJet Plc (Thụy Sĩ) có 140 nhân sự đã hoàn thành quá trình huấn luyện nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để phục vụ.

Ông Izham Ismail, CEO hãng bay Malaysian Airlines cho rằng các hãng bay tại châu Âu, Bắc Mỹ và Malaysia có thể mất tới 12 tháng để khắc phục vấn đề thiếu nhân sự.

Tuy nhiên, các hãng bay, sân bay cũng quan ngại về việc nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách sẽ không kéo dài. Nếu như vậy, các hãng sẽ lâm vào tình trạng dư thừa nguồn lực nếu thuê quá nhiều nhân viên mới và đưa tất cả máy bay nhàn rỗi trong giai đoạn đại dịch quay trở lại hoạt động.

Hiện giá vé máy bay được đánh giá ở mức cao hơn khả năng sẵn sàng chi trả của đa số hành khách, tình trạng lạm phát diễn ra tại nhiều quốc gia đẩy chi phí sinh hoạt tăng cao dẫn tới khả năng người dân có thể lựa chọn ở tại nhà hoặc chỉ đi nghỉ trong nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.